(NTO) Vụ đông-xuân 2010-2011, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh lúa tại huyện Ninh Phước”. Với mục tiêu: Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong thâm canh lúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nội dung quan trọng của đề tài là xây dựng mô hình thâm canh lúa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” tại vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh.
Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra thực tế mô hình.
Với quy mô 10 ha (32 hộ tham gia) tại thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Kết quả mô hình mang lại bước đầu rất khả quan.
Thực hiện kỹ thuật “ 1 phải, 5 giảm”, bao gồm: Sử dụng lượng giống xác nhận ML 202 với lượng giống gieo từ 150 -200kg/ha, trong đó: Gieo sạ thẳng: 200kg/ha, gieo sạ hàng: 150kg/ha so với tập quán nông dân từ 250-300 kg/ha trở lên.
Phân bón: Trên cơ sở bảng so màu lá lúa và quy trình của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ yếu dùng các loại phân đơn, bón đầy đủ, cân đối, hợp lý đúng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa (10-13, 24-27, 43-47 ngày sau sạ) so với tập quán nông dân ( thường bón vào 18-20, 33-35, 48-50 ngày sau sạ) và thường bón quá nhiều phân đạm.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Trên cơ sở kết quả điều tra, dự tính, dự báo ngoài đồng ruộng, quản lý sâu bệnh theo phương pháp IPM. Tuyệt đối không thực hiện phun thuốc định kỳ, “ phun ngừa” theo tập quán nông dân.
Tưới nước: Sử dụng ống chia vạch để điều tiết lượng nước theo nhu cầu sinh trưởng từng giai đoạn của cây lúa.
Giảm thất thoát sau thu hoạch: Thu hoạch khi lúa đúng độ chín khoảng 85-90% bằng máy gặt đập liên hợp, phơi lúa trên sân phơi chuyên dùng.
Với việc thực hiện nghiêm ngặt các khâu của kỹ thuật “ 1 phải, 5 giảm”, mô hình đã đạt được những kết quả ban đầu hết sức khả quan: Cây lúa khỏe, sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, giảm các chi phí sản xuất so với tập quán sản xuất của nông dân vì vậy mang lai hiệu quả kinh tế cao, cụ thể như: Giảm được lượng giống gieo sạ từ 50kg – 100 kg/ha trở lên; tiết kiệm được phân đạm (N) 23,4kg/ha; giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (2 lần/vụ); Tiết kiệm được lượng nước tưới là 237.2m3/1000m2 ; giảm thất thoát sau thu hoạch từ 3,2 – 3,8% so với thu hoạch bằng tay; năng suất ruộng mô hình sạ hàng cao hơn ruộng sản xuất theo tập quán nông dân là 1.800 kg/ha và ruộng mô hình sạ thẳng cao hơn 800 kg/ha so với ruộng tập quán nông dân; chênh lệch lãi cao hơn so với ruộng tập quán sản xuất của nông dân là 4.495.000 đồng/ha (mô hình sạ thẳng) và 10.845.000 đồng/ha (mô hình sạ hàng).
Từ hiệu quả ban đầu của mô hình “1 phải, 5 giảm”, người nông dân đã dần thay đổi tập quán canh tác cũ, biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Việc áp dụng mô hình không những chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập mà còn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, giữ gìn môi trường sinh thái.
Thanh Hưng