Để thu nhập của người trồng lúa khá lên

Thành tựu của ngành trồng lúa ở Việt Nam đã được thế giới khen ngợi, thế nhưng chúng ta vẫn phải day dứt vì những nông dân trồng lúa là những người nghèo nhất.

Hiện tại và tương lai lúa gạo chắc chắn vẫn là trụ cột chính của an ninh lương thực quốc gia, nhưng trọng trách này chỉ có thể đạt được bền vững khi những vùng trồng lúa phải trở thành những vùng phồn thịnh của nông thôn Việt Nam và người trồng lúa phải có thu nhập và lợi nhuận tương xứng.

Bài toán cuối cùng cũng chỉ xoay quanh vấn đề làm sao cho thu nhập của người trồng lúa khá lên?

“Cánh đồng mẫu lớn” thực ra không phải là ý tưởng gì mới lạ mà thực tế các địa phương cũng đã từng manh nha xây dựng nhưng không thành công. Bộ NN&PTNT cũng đã từng có kế hoạch xây dựng 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao nhưng cũng không thành hiện thực. Mà nguyên nhân chính của sự không thành công ấy chính là sự thiếu hợp tác giữa các nhà, mà đặc biệt là chưa tìm được doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân trong triển khai mô hình này. An Giang thành công với mô hình cánh đồng mẫu 1.200 hec-ta là nhờ sự vào cuộc của một Mạnh Thường Quân là Công ty bảo vệ thực vật An Giang và từ đó các địa phương đẩy mạnh làm theo chương trình này.

Tất nhiên nếu làm được theo cách mà An Giang đang làm thì mới mong có được thu nhập cao cho người nông dân và chỉ như thế hạt gạo Việt Nam mới có được giá trị đích thực của nó. Lâu nay, đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá lúa gạo của Việt Nam lại luôn thua kém trên thị trường quốc tế. Việc tạo ra sản phẩm lúa gạo hàng hóa với chất lượng cao, đồng đều, thực hiện theo đúng quy trình sản xuất tiên tiến, có chứng chỉ nguồn gốc rõ ràng chính là chúng ta từng bước tiến gần đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Ý tưởng “Cánh đồng mẫu lớn” chính là liên kết, tập hợp những thửa ruộng của các chủ sở hữu nông hộ nhỏ thành tập đoàn, tập thể, HTX, ở đó nông dân sản xuất đồng nhất một loại lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, theo quy trình sản xuất đồng loạt tiến bộ hơn. “Cánh đồng mẫu lớn” thực chất chính là hình thức tích tụ ruộng đất song khả thi hơn việc đổi điền dồn thửa, bởi mỗi “nông dân nhỏ” đều có vai trò, trách nhiệm, quyền lợi để cùng gánh vác “cánh đồng mẫu lớn” chung của tập thể.

Từ mô hình của An Giang, hiện nay một số nơi đã hình thành những cánh đồng mẫu 1.000ha. Bộ Nông nghiệp & PTNT giao nhiệm vụ cho các Sở Nông nghiệp Tỉnh, Thành phố, mỗi nơi đăng ký làm từ 5.000-10.000ha. Dự kiến chủ trương này sẽ được tiến hành ra tới năm 2015-2020 và xa hơn tới 2030. Và nếu với tốc độ như hiện nay thì đến năm 2020 có thể thực hiện được khoảng 30% diện tích. Và như thế, có lẽ sẽ tới lúc thu nhập của người trồng lúa khá lên?

Quay trở lại với mô hình của An Giang. Vụ đông xuân vừa qua nông dân đạt năng suất lúa 8,5-12 tấn/ha, thu lãi 25-34 triệu đồng/ha. Do sự đầu tư của doanh nghiệp, nông dân tham gia mô hình được cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào tốt với giá cả ổn định, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, quản lý nước và áp dụng công nghệ sau thu họach để giảm thất thoát. Ở mô hình của An Giang việc tiêu thụ là “khái niệm mở” gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân. “Khái niệm mở” này đang thể hiện đúng thực chất vai trò của người sản xuất, tức là quyền của người bán. Khi lúa được đưa đến kho, đo độ ẩm, xác định khối lượng xong thì người nông dân có quyền bán hoặc gởi lại kho. Nếu giá cả vẫn chưa thuận để bán, người nông dân vẫn cho gởi lại kho đến khi muốn bán thì thôi. Điều này đã giải quyết được khâu khó khăn nhất mà từ lâu chúng ta vẫn lúng túng, đó là kho chứa lúa gạo, và như vậy người nông dân không phải bán tống, bán tháo lúa gạo vì không có kho chứa.

Hiện tại, gạo đã được Chính phủ đưa vào danh mục mặt hàng đặc biệt, có nghĩa doanh nghiệp muốn kinh doanh lúa gạo không thể chỉ bán “nước bọt” nữa mà phải đầu tư kho tàng, có vùng nguyên liệu và nhà máy xay xát theo quy định. Các công ty tham gia với nông dân thông qua các cánh đồng lớn như vậy, áp dụng quy trình Vietgap, có sổ ghi chép nguồn gốc rõ ràng thì sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả cao cho cả doanh nghiệp và người trồng lúa.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh lương thực toàn cầu hiện nay, liên kết sản xuất, tập hợp nông dân chính là nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, tránh được cảnh trúng mùa mất giá và dễ dàng hơn cho công tác đầu tư phát triển bảo hiểm nông nghiệp, tiến đến một nền nông nghiệp bền vững.

Làm được như vậy, thế hệ nông dân tương lai sẽ bớt cực nhọc nhờ cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch. Tám triệu hộ nông dân trên toàn quốc sẽ có đời sống tốt đẹp hơn, khi những cánh đồng mẫu lớn không còn là thí điểm nữa, mà trở thành hình thức sản xuất tập trung bình thường trên cả nước.

Nguồn Báo điện tử Đài TNVN