(NTO) Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Nhằm cụ thể hóa NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và từ tình hình thực tế của địa phương, ngày 24-5-2011, Tỉnh ủy đã ban hành NQ số 02-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Phước Thái,
huyện Ninh Phước
Theo tinh thần trên, Tỉnh ủy yêu cầu các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện NQ về Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn từng xã. Đến nay Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới các cấp tỉnh, huyện, xã đã được thành lập đầy đủ và đi vào hoạt động tương đối đồng bộ. Tuy nhiên riêng Ban quản lý dự án cấp xã (để thực hiện dự án phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của Chương trình) chỉ mới thành lập ở một vài xã điểm do chưa được hướng dẫn cụ thể và chưa được phân bổ nguồn vốn thực hiện. Đề án Xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta đến năm 2020 có 2 giai đoạn: 2011-2015 và 2016-2020; trong đó mục tiêu đến năm 2015 có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 24 xã. Thực hiện Chương trình MTQG năm nay, kế hoạch phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương cho tỉnh ta là trên 7,9 tỷ đồng. Theo đề xuất của các huyện và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh, các xã Phước Thái (Ninh Phước), Nhơn Sơn (Ninh Sơn) và Xuân Hải (Ninh Hải) được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Với trách nhiệm được giao, Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) đã lập xong các báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng các xã điểm gồm: Bê-tông hóa đường thôn Lương Cang 1 và đường vào Trạm Y tế, Trường Mẫu giáo xã Nhơn Sơn; bê-tông hóa đường vào đội 2 và 3 thôn Thành Sơn (Xuân Hải) và kiên cố hóa kênh Tà Lăng (Phước Thái). Về đào tạo cán bộ triển khai chương trình, ngành Xây dựng và ngành Nông nghiệp-PTNT đã tổ chức tập huấn cho trên 200 cán bộ huyện, xã về công tác quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng đề án nông thôn mới. Đối với hỗ trợ sản xuất, Chi cục PTNT đã thống nhất với các địa phương sẽ triển khai các mô hình: Sản xuất lúa giống nguyên chủng, trồng thâm canh lúa nước, nuôi thương phẩm cá điêu hồng, sản xuất bắp lai, hành tím và chăn nuôi bò sinh sản tại các xã điểm và các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Thực hiện qui hoạch nông thôn mới, hiện nay ngành Xây dựng đang triển khai qui hoạch phát triển các khu dân cư (khu trung tâm hành chính xã và mạng lưới điểm dân cư nông thôn) tại các xã.
Đó là những gì làm được trong bước khởi động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta. Dù được sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền cơ sở và người dân, nhưng qua triển khai đã cho thấy việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm và lúng túng; sự phối hợp, thông tin giữa Ban chỉ đạo các cấp thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ tuy có được đào tạo nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng; công tác qui hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp chưa chú trọng; nguồn vốn bố trí cho chương trình thấp so với nhu cầu. Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết: “Đáng nói là mặt hạn chế trong công tác tuyên truyền, phần đông cán bộ và nhân dân còn chưa hiểu đầy đủ về xây dựng nông thôn mới, chẳng hạn về nội dung, phương pháp và các chính sách”.
Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn dài nên Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh phấn đấu hoàn thành cơ bản qui hoạch nông thôn mới cho 47 xã thuộc phạm vi chương trình, riêng với 3 xã điểm phải hoàn thành qui hoạch chi tiết và đề án nông thôn mới cấp xã trong năm 2011. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình ở các ngành, các cấp; dự kiến sẽ phối hợp với các trường, viện đào tạo mở lớp bồi dưỡng về nông thôn mới cho cán bộ cơ sở tại địa phương. Thành lập ban quản lý dự án cấp xã để tổ chức thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã điểm; triển khai vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng đầu tư các mô hình sản xuất đã thống nhất với các xã. Phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt để triển khai thực hiện hiệu quả NQ số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngành Nông nghiệp-PTNT đề xuất tỉnh sớm thành lập Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới làm đầu mối triển khai, tổng hợp và theo dõi kết quả thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh.
Bạch Thương