(NTO) Trong vài năm gần đây, nông dân thôn La Chữ đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ chuyên lúa sang mô hình lúa- dưa hấu. Cây dưa hấu thích nghi thổ nhưỡng La Chữ đã cho sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế tăng thu nhập nâng cao đời sống nông dân địa phương.
Mùa thu hoạch dưa hấu của anh Nguyễn Đăng Hùng trồng trên đồng ruộng La Chữ.
Đến với cánh đồng có tục danh ruộng Vua, chúng tôi gặp nông dân La Chữ nhộn nhịp vào mùa thu hoạch dưa hấu. Những trái dưa xanh vỏ đỏ lòng có tên gọi “Công chúa Hoàng Châu” được thương lái thu mua phân phối đến các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên. Anh Lê Minh Sơn 36 tuổi là nông dân trẻ đi đầu phong trào trồng dưa hấu ở La Chữ được bà con thương mến phong tặng danh hiệu “Út dưa”. Trò chuyện với Út dưa, chúng tôi được biết nghề trồng lúa nước truyền thống chỉ giúp cho nông dân đủ ăn chứ chưa thể vươn lên làm giàu. Mọi chuyện bắt đầu từ giữa năm 2006, khi hai ông “vua dưa” là Chín Thiều và Hai Thọ ở Khánh Hòa vô La Chữ thuê đất trồng dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hai ông có con mắt xanh tinh nghề phát hiện đồng đất La Chữ giàu nguyên tố vi lượng, nhất là nguyên tố Kali rất thích hợp cây dưa hấu. Đất thịt pha cát chủ động tưới từ hồ Tân Giang, nắng ấm quanh năm, trồng dưa hấu chăm sóc tốt sẽ cho ra sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Vụ dưa đầu tiên do ông Chín Thiều và Hai Thọ thuê 5 ha trồng dưa hấu trên vùng đất mới đạt sản lượng và chất lượng thật bất ngờ. Dưa hấu sọc xanh căng tròn nằm trên đồng dày đặc như heo con. Hai ông thu hoạch bán vào dịp trung thu được mùa được giá lợi nhuận cao gấp 5-6 lần trồng lúa.
Dưa dấu La Chữ được thương lái thu mua vận chuyển ra các tỉnh Miền Trung.
Út dưa nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát, làm ăn thiệt bụng được hai ông Chín Thiều và Hai Thọ thương quý “truyền nghề” trồng dưa hấu. Sau mấy vụ theo các “vua dưa” học nghề, anh nắm vững kỹ thuật từ ủ hạt đến vô bầu, trải bạt, định ngọn, chọn trái và các biện pháp phòng trị bệnh cho cây dưa hấu. Hiện nay, Út dưa trở thành “kỹ thuật trưởng” trong nghề trồng dưa hấu ở thôn La Chữ. Bà con thôn xóm trồng dưa gặp khó khăn đều tìm đến anh hướng dẫn kinh nghiệm. Đặc điểm của cây dưa hấu chăm sóc đúng kỹ thuật gặp thời tiết thuận lợi là bảo đảm có thu hoạch. Mỗi hecta trồng dưa cần vốn đầu tư 60-70 triệu đồng, năng suất trung bình 25-30 tấn/ha. Thời điểm dưa hấu bán được giá nhất là vào dịp Trung Thu và rằm tháng Giêng được thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Nếu thị trường được giá 5-6 ngàn đồng/kg thì người trồng dưa làm giàu còn như giá rớt xuống 3.000 đồng/kg thì huề vốn hoặc có lãi chút đỉnh. Qua 5 năm gắn bó với 1 ha ruộng trồng lúa và dưa hấu, gia đình Út dưa có cuộc sống ổn định nuôi con ăn học chu đáo.
Ông Ngô Văn Được 50 tuổi trồng 5 sào dưa hấu đang vào vụ thu hoạch nói: “Ông Chín Thiều thuê của tôi 6 sào đất trồng dưa hấu chỉ trong vòng 2 tháng thu trên 130 triệu đồng, lãi ròng trên 60 triệu đồng. Đồng ruộng nhà tôi vào diện nhất đẳng điền ở La Chữ. Mỗi vụ trồng lúa hơn ba tháng đạt sản lượng 4,2 tấn/6 sào ruộng, tôi cũng chỉ có lời khoảng 10 triệu đồng. Vụ này, tôi lấy đất lại và vay mượn vốn liếng của bà con đầu tư trồng dưa hấu. Năng suất dự kiến đạt khoảng 3 tấn/sào do đụng hàng trái vải, chôm chôm nên dưa hấu rớt giá chỉ còn 3.000 đồng/kg. Tôi đang chờ dưa nhích giá lên mới thu hoạch với hy vọng có lãi chút đỉnh”.
Anh Đặng Văn Dũng, Trưởng thôn La Chữ cho biết toàn thôn hiện có 508 hộ với 2228 nhân khẩu chuyên nghề trồng lúa. Bà con nông dân lam lũ làm ăn trên diện tích 315 ha ruộng lúa và 80 ha đất màu chủ động tưới từ công trình thủy lợi Tân Giang. Thực hiện chủ trương của cấp ủy và chính quyền xã Phước Hữu, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng bắp lai, bông vải, dưa hấu đạt hiệu quả kinh tế cao. Nông dân địa phương đang nhân rộng mô hình một vụ lúa- một vụ dưa hấu trên đất ruộng. Cây dưa hấu vụ hè thu năm nay có 22 nông hộ trồng 17 ha đạt sản lượng trên 500 tấn. Dưa dấu “made in” La Chữ được người tiêu dùng ưa chuộng vì ruột có màu đỏ son, vị ngọt thanh. Nếu được Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Ninh Phước hỗ trợ vốn vay tín dụng đầu tư sản xuất thì khả năng chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở La Chữ phát triển nhanh theo hướng bền vững.
Sơn Ngọc