Bác Ái có gần 34.000 người, trong đó dân tộc Raglai chiếm gần 90% dân số. Mặc dù những năm gần đây kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng đời sống người dân được nâng lên nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước... Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, trong đó có TH. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 13 trường hợp TH và không có trường hợp HNCHT. Nguyên nhân là do hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; cha mẹ chưa thật sự quan tâm đến con, buông lỏng trong quản lý, chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con ở tuổi vị thành niên; các chế tài xử lý chưa được thực hiện chặt chẽ, chưa đủ tính răn đe đối với người dân... Ông Pi Năng Chấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy lùi TH, HNCHT. Cụ thể, huyện tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 498 về giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT trong vùng DTTS và Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT trong vùng đồng bào DTTS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống TH, HNCHT đến đông đảo tầng lớp nhân dân.
Cán bộ cơ sở, người có uy tín xã Phước Thắng tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về Luật Hôn nhân và gia đình.
Điểm sáng đáng ghi nhận thời gian qua, huyện đã duy trì hiệu quả 16 câu lạc bộ (CLB) về phòng, chống TH, HNCHT tại các xã và trường học, qua đó, tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân về chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hôn nhân gia đình. Đơn cử tại CLB Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, xã Phước Đại, với 60 thành viên là cán bộ, giáo viên và học sinh (HS) nhà trường. Qua gần 5 năm, các nội dung liên quan đến Luật Bình đẳng giới, Hôn nhân và gia đình, các vấn đề liên quan đến nạn TH, HNCHT... được nhà trường triển khai xuyên suốt, lồng ghép vào các sinh hoạt chủ điểm, sinh hoạt lớp cuối tuần, các hội thi văn hóa, văn nghệ nhà trường và địa phương. Đáng nói, thông qua CLB, nhiều em HS nhận thức rõ hơn về việc không kết hôn sớm, nỗ lực hơn trong học tập và rèn luyện để có tương lai tốt hơn. Thầy Bùi Hữu Pha, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho HS về TH, HNCHT, nhà trường còn tạo cho HS môi trường thi đua học tập sôi nổi, các hoạt động vui chơi, thể thao bổ ích, lành mạnh; đồng thời, đội ngũ cán bộ, giáo viên chủ nhiệm quan tâm hơn đến tâm lý, tâm tư của HS, nhất là các trường hợp yêu sớm, nghỉ học cách nhật, bỏ học giữa chừng để vận động, khuyên nhủ các em tập trung vào việc học. Nhờ vậy, những năm qua, nhà trường không có tình trạng HS bỏ học để kết hôn sớm.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương còn phát huy vai trò của đảng viên, cán bộ cơ sở, trưởng tộc họ, người có uy tín trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hôn nhân và gia đình đến cộng đồng. Họ tích cực vận động người thân, hàng xóm không ủng hộ chuyện kết hôn sớm, trước tuổi; nắm bắt, phát hiện, quản lý các trường hợp TH, HNCHT để vận động, khuyên nhủ gia đình, thanh niên, trong trường hợp cố tình vi phạm thì báo cáo chính quyền xử lý để tạo tính răn răn đe, giáo dục trong cộng đồng; đưa nội dung cấm TH, HNCHT vào hương ước, quy ước trong tộc họ, khu dân cư.
Ông Pi Năng Chấn cho biết thêm: Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, tập huấn kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về hệ lụy của TH và HNCHT cho đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên, người có uy tín. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, CLB về phòng, chống TH, HNCHT tại các xã, trường học; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ TH, HNCHT tại cơ sở để có hướng giải quyết... qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS tại địa phương.
Lê Thi