Hoạt động ủy thác góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

Trong những năm qua, hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) luôn phát huy hiệu quả tích cực, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Ninh Thuận triển khai phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức CT-XH, từ đó đến nay vai trò phối hợp triển khai các văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác ký kết được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, hộ vay vốn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi; các tổ chức CT-XH nhận ủy thác còn chủ động sáng tạo, đổi mới trong cách làm để duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, quá trình kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn của hộ vay được quan tâm, chú trọng, đảm bảo vốn vay phát huy đúng mục đích.

Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội giúp phụ nữ xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
đầu tư phát triển chăn nuôi.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2023, các hệ thống phòng giao dịch Ngân hàng CSXH phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác giải ngân số tiền trên 1.096 tỷ đồng, với gần 25.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Qua đó, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.670 lao động; tạo điều kiện cho hơn 7.300 hộ xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh và lắp đặt công trình nước sạch; giúp cho 3.155 học sinh, sinh viên có vốn trang trải chi phí học tập; có 1.664 hộ sinh sống ở các xã thuộc vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và 617 hộ được vay vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nâng tổng dư nợ ủy thác đến ngày 20/11/2023 đạt 3.371 tỷ đồng. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý 1.380,6 tỷ đồng, Hội Nông dân 833,3 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 503,9 tỷ đồng và Đoàn thanh niên 653,3 tỷ đồng.

Đồng chí Huỳnh Kiều Ánh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Để hoạt động ủy thác mang lại hiệu quả, Tỉnh đoàn tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện triển khai vốn vay, tổ chức bình xét cho vay đúng đối tượng theo văn bản thỏa thuận ủy thác đã ký với Ngân hàng CSXH. Thông qua 18 chương trình tín dụng ưu đãi, toàn tỉnh có trên 14.260 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được vay vốn, cùng với sức trẻ và sáng tạo trong lao động sản xuất, nhiều ĐVTN mạnh dạn tìm tòi, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất thử nghiệm, hình thành các mô hình tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao. Những kết quả trên không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần thu hút, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa ĐVTN với tổ chức cơ sở đoàn.

Gắn với chương trình ủy thác, các tổ chức CT-XH còn chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm. Theo đó, từ đầu năm tới nay, 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp tỉnh tổ chức kiểm tra tại 35 lượt hội huyện, 46 lượt xã, 111 lượt tổ và 170 lượt khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng CSXH duy trì ổn định việc giao dịch tại 65 điểm giao dịch xã, thực hiện công khai những nội dung về tín dụng CSXH, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho nhân dân, khách hàng đến giao dịch vào ngày cố định hằng tháng, đôn đốc thu hồi nợ, lãi theo quy định; nhờ đó, nợ quá hạn cho vay ủy thác hiện còn 9 tỷ đồng, chiếm 0,27% trên tổng doanh số cho vay.

Bà Hồ Thị Kiều Chinh, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận, nhìn nhận: Hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức CT-XH đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia chuyển tải vốn một cách nhanh chóng, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi đủ điều kiện và có nhu cầu đều được tiếp cận vốn vay và các dịch vụ do ngân hàng cung cấp. Trong những năm tiếp theo, chi nhánh và các hội, đoàn thể nhận ủy thác tiếp tục phối hợp quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách; tổ chức hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.