Theo kết quả rà soát của địa phương, trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng nuôi hàu lồng bè tại khu vực Đầm Nại không ngừng phát triển, với 132 hộ/1.007 bè nuôi hàu, sản lượng hàu tại khu vực này đạt trên 1.300 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các xã Hộ Hải, Tân Hải, Phương Hải, Tri Hải và thị trấn Khánh Hải. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, điểm thuận lợi mà các hộ dân tham gia sản xuất ở đây chính là nhờ nguồn tài nguyên sinh vật phong phú với nhiều chủng loại thực vật, động vật dưới đầm; đặc biệt, nuôi hàu lồng bè chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, năng suất cao, giá bán luôn ổn định nên các hộ nuôi tăng số lượng lồng bè. Anh Nguyễn Quang Hưng, thôn Khánh Hội, xã Tri Hải chia sẻ: Với 5 lồng bè nuôi hàu thương phẩm ở Đầm Nại, tôi thả nuôi trên 40.000 con giống, sau khoảng 6 tháng nuôi, hàu đạt trọng lượng từ 12-15 con/kg, có giá 30.000 đồng/kg, gia đình thu lãi khoảng 65 triệu đồng/vụ; hàu sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua, nên nhiều hộ rất phấn khởi.
Lồng bè nuôi thủy sản của các hộ dân tại khu vực Đầm Nại.
Mặc dù, phần lớn các mô hình nuôi hàu lồng bè hình thành đã cải thiện đáng kể sinh kế, làm tăng thu nhập cho người dân, nhưng thực tế cho thấy còn nhiều bất cập, đó là kết cấu công trình lồng bè khá thô sơ, đơn giản, chưa đáp ứng khả năng trước tác động của các đợt gió biển; các bè neo đậu sát nhau làm nước lưu thông hạn chế. Mặt khác vào thời điểm mùa mưa, nước ngọt xuống nhanh các bè không có chỗ di chuyển tránh trú dẫn đến hàu chết hàng loạt, rớt xuống lòng đầm tạo mùi hôi thối gây ô nhiễm nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của đối tượng nuôi khác xung quanh khu vực; đồng thời, vỏ hàu chết lắng xuống lòng đầm, tích tụ lâu ngày dẫn đến nguy cơ nông hóa đầm..., gây mất mỹ quan chung của huyện.
Theo Phương án 5882/PA-UBND ngày 23/11/2021 của UBND huyện Ninh Hải việc tạm sắp xếp nuôi hàu tại Đầm Nại là 35,6ha; trong đó, nuôi hàu cắm cọc 19,4ha và nuôi hàu lồng bè 16,2ha. Tuy nhiên, đến nay, vùng nuôi đã phát triển ra khỏi diện tích đã quy hoạch. Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Nhằm đảm bảo ổn định sản xuất và hài hòa với các hoạt động kinh tế khác ven Đầm Nại, địa phương đã đề xuất, kiến nghị tỉnh sớm xem xét tích hợp vùng nuôi thủy sản khu vực này vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, từ đó có cơ sở thực hiện bàn giao diện tích mặt nước cho các hộ dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý trên địa bàn. Trong thời gian chờ quy hoạch được phê duyệt, huyện tập trung tuyên truyền cho người dân giữ gìn vệ sinh môi trường Đầm Nại, triển khai ký cam kết không xả thải trong quá trình nuôi; cùng với đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kiên quyết không để phát sinh thêm hộ nuôi mới.
Để gỡ khó cho hoạt động nuôi hàu tại khu vực Đầm Nại, giúp người dân yên tâm sản xuất lâu dài, ngành Nông nghiệp đề ra các giải pháp tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mặt nước đầm đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn tới. Đồng thời, huy động nguồn lực nạo vét đầm để tránh nguy cơ nông hóa; tổ chức khôi phục hệ sinh thái, mở rộng trồng rừng ngập mặn xung quanh đầm, tạo môi trường tự nhiên và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng tới đưa khu vực Đầm Nại trở thành vùng nuôi thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để lập lại trật tự, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước việc nuôi hàu tại khu vực Đầm Nại, trước mắt ngành tích cực phối hợp với huyện Ninh Hải tổ chức sắp xếp lại các lồng bè theo đúng quy định; tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên triển khai quan trắc, kiểm soát môi trường nước, kịp thời cảnh báo cho hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh hiệu quả...
Hồng Lâm