Người dân xã Phước Hà (Thuận Nam) được cảnh báo khi đi qua đập tràn trong mùa mưa lũ.
Để chủ động PCTT trong mùa mưa bão, huyện Thuận Nam đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt, chia cắt và lên phương án tuyên truyền cảnh báo các khu vực nguy hiểm như: Khu vực trọng điểm bão đổ bộ gồm các xã Phước Dinh, Cà Ná và Phước Diêm; khu vực thường xảy ra lũ lụt là thôn Hiếu Thiện, Thiện Đức và Vụ Bổn (Phước Ninh); thôn Nhị Hà 1, 2 và Nhị Hà 3 (Nhị Hà); thôn Rồ Ôn, thôn Giá và thôn Là A (Phước Hà); thôn Nho Lâm, Văn Lâm 1, 2 và Văn Lâm 3 (Phước Nam), thôn Lạc Tiến và Quán Thẻ (Phước Minh); các khu vực sạt lở là tuyến đường ven biển... Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ở từng đơn vị, địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN phụ trách địa bàn, lĩnh vực phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành và UBND các xã xây dựng phương án, kế hoạch phòng tránh và kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra. Mặt khác, huyện còn phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và của tỉnh để nắm bắt diễn biến tình hình thời tiết về bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để thông tin kịp thời tới nhân dân cảnh giác, chủ động sẵn sàng đối phó với thiên tai; tăng cường kiểm tra hoạt động kết nối của các phương tiện thông tin liên lạc đối với các phương tiện hoạt động trên biển và liên lạc giữa các cơ quan chức năng trong suốt quá trình PCTT, nhanh chóng tổ chức lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Đồng chí Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Dựa trên đặc điểm về tình hình mưa lũ những năm trước, ngay từ đầu năm, huyện Thuận Nam đã chỉ đạo các cấp, ngành chủ động triển khai công tác PCTT với phương châm “4 tại chỗ” huy động tổng lực về con người và phương tiện, cơ sở vật chất, hậu cần tại chỗ để tổ chức ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại thấp nhất về người và tài sản. Đồng thời, tổ chức trực 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ cao để theo dõi cảnh báo. Chuẩn bị sẵn sàng các khu sơ tán để di dời người dân đến nơi ở an toàn khi có mưa lũ xảy ra; bố trí đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, bảo đảm an ninh trật tự; chủ động phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau thiên tai. Thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc duy tu, đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống lũ, ngập lụt, sạt lở; các công trình thủy lợi, giao thông để bảo vệ dân cư, ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để đảm bảo công tác vận hành an toàn các hồ, đập, nhất là các hồ chứa có kế hoạch xả lũ, huyện đã chỉ đạo Trạm Thủy nông huyện thực hiện nghiêm quy trình vận hành các hồ chứa; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để các địa phương, đơn vị chủ động sơ tán dân vùng hạ lưu đến nơi ở an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do mưa, bão, lũ gây ra.
Tiến Mạnh