Về thăm xã vùng cao Phước Chiến, không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ già quây quần ĐL, vót nan trong những ngôi nhà ấm cúng. Ghé thăm nhà ông Katơr Hiệu, thôn Tập Lá, nghệ nhân ĐL lâu năm tại địa phương. Đang nhanh tay hoàn thành chiếc gùi, ông Hiệu chia sẻ: Để có thành phẩm chất lượng, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, cây lồ ô, nứa, tre, mây,... không già, không non, có đốt dài về đan gùi. Bởi, nếu chọn quá già, khi đan các nan dễ bị gãy. Ngược lại, với những cây còn non, khi sản phẩm hoàn thiện chất liệu nan đan thường bị co, tạo thành những kẽ hở ở sản phẩm.
Nghề ĐL của dân tộc Raglai có từ lâu đời, gắn liền với đời sống của bà con nơi đây. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, người già ở địa phương thường ĐL thêm kiếm thu nhập. Nhìn những đôi bàn tay gầy gò, nhăn nheo vì tuổi tác nhưng vẫn nhanh thoăn thoắt, thành thạo từng đường đan, chúng tôi cảm nhận được sự đam mê, tâm huyết và tình cảm của người làm ra sản phẩm. Bởi để hoàn thành một sản phẩm, bà con phải mất 2-5 ngày, với giá dao động từ 250.000-700.000 đồng, tùy vào món hàng, sau khi trừ chi phí bà con thu lời từ 50.000-150.000 đồng/sản phẩm tùy loại. Nhờ mẫu mã đa dạng, thích hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp nên các sản phẩm được thị trường ưa chuộng, giúp người dân có thêm thu nhập khoảng 70.000 đồng/ngày.
Ông Katơr Hiệu (bên trái) say mê đan những chiếc gùi.
Anh Patâu Axá Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến (Thuận Bắc) cho biết: Toàn xã hiện có 85 hộ với khoảng 123 lao động làm nghề ĐL, tập trung nhiều ở thôn Tập Lá. Để giữ nghề ĐL, địa phương phối hợp với các đơn vị mở 2 lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho 56 học viên để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Năm 2014, Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 2 máy vót nan và 9 dao chẻ tre với kinh phí 46 triệu đồng. Nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hằng năm, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp Sở Công Thương tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành nghề của địa phương nhân dịp hội chợ triễn lãm do tỉnh tổ chức. UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí cho 20 hộ dân ở thôn Tập Lá, mỗi hộ 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, bà con mua các công cụ như: Rựa, dao, thiết bị để đổi mới một số công đoạn sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và thu mua nguyên liệu. Ngoài ra, bà con còn được tham gia các buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở địa phương có làng nghề ĐL phát triển để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm.
Với những nỗ lực trên, năm 2012, sản phẩm “Nỏ” được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Những sản phẩm gùi, nia, tó, nỏ của bà con ĐL khá tinh xảo, bền bỉ theo thời gian và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để giữ nghề, sống được bằng nghề và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Bởi hầu hết những vật dụng trên được bán chủ yếu cho bà con Raglai trong tỉnh nên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hẹp. Mặt khác, nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt, muốn có nguyên liệu bà con phải đi xa khoảng 10-20km vào trong rừng tìm cây tre, lồ ô, giang, mây... mỗi lần đi mất 1-2 ngày. Theo người dân địa phương, muốn kiếm được cây nguyên liệu phải vượt qua núi cao, đèo dốc, cần ít nhất 2 ngày cho mỗi chuyến đi rừng. Với những người không có điều kiện sức khỏe lên rừng đành phải bỏ tiền ra mua nguyên liệu chế biến sẵn với giá thành khá cao.
Để giữ và phát triển nghề ĐL của đồng bào nơi đây, UBND xã đã kiến nghị huyện quy hoạch xây dựng vùng trồng nguyên liệu khoảng 2 ha để phục vụ cho bà con ĐL. Ngoài nguồn nguyên liệu, địa phương cần phát huy hiệu quả nhà trưng bày các sản phẩm, thực hiện mô hình trình diễn quá trình các nghệ nhân làm ra sản phẩm, kết hợp với du lịch sinh thái tại địa phương, nhằm thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu nghề ĐL. Ngoài ra, cần kết nối các điểm đang làm du lịch cộng đồng trong tỉnh đưa những sản phẩm trưng bày, giới thiệu cho du khách để quảng bá sản phẩm và tăng nguồn thu cho người dân địa phương.
Mỹ Dung