Đổi mới truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ (PN) và người dân về bình đẳng giới (BĐG), tạo điều kiện cho chị em vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, thời gian qua, các cấp hội PN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền BĐG bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú.

Có dịp được tham dự buổi truyền thông do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Hội LHPN tỉnh tổ chức về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình tại huyện Thuận Bắc, chúng tôi ghi nhận không khí sôi nổi, hào hứng của những người tham dự. Thông qua hình thức thi tìm hiểu kiến thức hỏi - đáp về Luật Phòng, chống BLGĐ; tiểu phẩm phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và BLGĐ... nhiều chính sách, luật pháp đã được chuyển tải sinh động, đầy đủ đến hội viên, PN và người dân như các: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật BĐG, Luật Phòng, chống BLGĐ... Sau các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đã ứng dụng vào thực tiễn, nỗ lực truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, việc thực hiện BĐG trong mỗi gia đình, góp phần làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành động về BĐG trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, vị thế, vai trò của PN trong gia đình, ngoài xã hội và trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm đã được nâng lên, từng bước xóa bỏ tình trạng “trọng nam, khinh nữ” cũng như bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương. Ông Lê Minh Khang, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) cho biết: Qua nghe tuyên truyền của các cấp, các ngành, tôi thấy vị thế của PN bây giờ ngày càng được coi trọng, đàn ông ngày càng biết tôn trọng và chia sẻ hơn với PN. Tôi cũng sẽ vận động bà con trong thôn thay đổi, biết giúp đỡ vợ con, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Tiểu phẩm “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lợi Hải (Thuận Bắc) tham gia tại sự kiện truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp hội chú trọng nâng cao kiến thức cho chị em PN về BĐG thông qua các mô hình, câu lạc bộ (CLB) ở cơ sở, giúp chị em phát huy vai trò của bản thân, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tích cực tham gia công tác xã hội. Đến nay, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn xây dựng, thành lập được hơn 100 CLB phòng, chống BLGĐ; 242 “Địa chỉ tin cậy dựa vào cộng đồng” tại 65/65 xã, phường, thị trấn. Từ những mô hình, CLB hội PN đã tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các thành viên tham gia, từ đó phát huy tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý cho hội viên trên các lĩnh vực, giúp hội viên nắm bắt, cập nhật kiến thức về pháp luật cũng như kiến thức về xã hội, gia đình để tự bảo vệ mình. Chị Katơr Thị Hương, Thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chia sẻ: Trước đây, vợ chồng tôi thường cãi nhau, sau khi tham gia CLB “Địa chỉ tin cậy dựa vào cộng đồng”, tôi được trang bị thêm kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, nhờ vậy vợ chồng tôn trọng yêu thương nhau, cuộc sống gia đình ngày càng hạnh phúc hơn.

Tự chủ về kinh tế được xem “chìa khóa” mở nút thắt về BĐG, do vậy, thời gian qua các cấp hội luôn quan tâm triển khai các phong trào, hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho PN như: Đề án “Hỗ trợ PN khởi nghiệp”; hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để tăng thu nhập; hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn, PN khuyết tật... qua đó chị em tự tin, mạnh dạn biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, phát triển kinh tế, khẳng định được vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 10.000 lao động nữ; số doanh nghiệp do nữ làm chủ là 931/4.008 doanh nghiệp, đạt 23,2%.

Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp hội PN đã góp phần thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện, cơ hội để PN tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ là PN nói chung và PN người dân tộc thiểu số nói riêng được thực hiện đầy đủ; nhiều cán bộ nữ đã được bầu cử, đề bạt, bố trí các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước. Toàn tỉnh hiện có 50/92 cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 54,3%. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ nữ còn được đề bạt, bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo các sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể các cấp.

Đồng chí Lê Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Những kết quả trên là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục thực hiện tốt công tác BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, để xóa bỏ những định kiến về giới; đảm bảo các mục tiêu về chiến lược quốc gia về BĐG rất cần có giải pháp phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán của mỗi địa phương.

Hưởng ứng Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12) với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho PN và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Hội LHPN tỉnh phối hợp với UBND huyện Thuận Bắc tổ chức lễ phát động; hội nghị truyền thông thúc đẩy BĐG tại các xã điểm; hội thảo phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ ở huyện Ninh Sơn... nhằm thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại PN và trẻ em, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.