Tạo đột phá cải cách hành chính

Trong thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Điểm nhấn trong công tác CCHC của tỉnh là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung trong công tác chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có 26/26 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 7/7 UBND cấp huyện, 65/65 UBND cấp xã đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh. Cổng dịch vụ công (DVC) tỉnh có 829 DVC trực tuyến (334 DVC trực tuyến toàn trình và 495 DVC trực tuyến một phần). Đến nay, đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812/829 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia đạt 97,95%.

Trong cải cách công vụ, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng theo đúng quy định. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng cao chất lượng và tiếp tục thực hiện đồng thời thí điểm đánh giá thông qua phần mềm đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Đồng thời, đã ban hành Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành và gửi Bộ Nội vụ thẩm định phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2026 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công chức bộ phận “Một cửa liên thông” huyện Ninh Phước hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: T.M

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, trong 10 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã hoàn thành 43/52 nhiệm vụ của năm 2023 (đạt 82%) theo Kế hoạch CCHC năm 2023 của tỉnh đã đề ra. Kết quả 4/5 chỉ số liên quan đến công tác CCHC của tỉnh đều có sự cải thiện so với trước (chỉ số PAPI năm 2022 xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố - tăng 10 bậc; chỉ số PCI xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố - tăng 19 bậc; chỉ số PAR INDEX xếp hạng 29/63 tỉnh, thành phố - tăng 6 bậc; chỉ số DTI xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố - tăng 26 bậc); riêng chỉ số SIPAS 2022 có sự sụt giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn mức trung bình cả nước, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố.

Đồng chí Trần Hải, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để đẩy mạnh công tác CCHC, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường các giải pháp thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC trong nội bộ các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, DVC và các TTHC liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tập trung số hóa kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020. Tiếp tục đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoàn thiện vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức gắn với tinh giảm biên chế giai đoạn 2022-2026. Hoàn thành công tác chuẩn bị để đưa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động. Triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2026 ngay sau khi cấp có thẩm quyền thông qua Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2026 của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tăng cường chuyển đổi mô hình hoạt động, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, vai trò giám sát của HĐND, các đoàn thể và nhân dân đối với việc thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.