Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bắp giống ở xã Phước Vinh (Ninh Phước) là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc phối hợp sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp (DN). Gia đình anh Nguyễn Thanh Hải, thôn Phước An 1 liên kết với Công ty Giống cây trồng Đông Nam trồng 5 sào bắp. Nhờ được DN hỗ trợ giống, vật tư phân bón và hướng dẫn quy trình chăm sóc nên mỗi vụ thu hoạch đều cho năng suất đạt từ 7,5-8 tạ/sào. Anh Hải, phấn khởi: Thực hiện liên kết bà con rất yên tâm sản xuất vì không phải lo đầu ra sản phẩm, giá bán cũng ổn định hơn. Với 1 kg bắp nguyên trái được công ty thu mua 12.800 đồng, trừ chi phí, mỗi vụ thu lãi từ 6-7 triệu đồng/sào, cao gấp 3 lần so với sản xuất thông thường.
Xã Phước Vinh là địa phương đi đầu trong việc xây dựng mối liên kết giữa DN với nông dân trong sản xuất bắp giống và bắp sinh khối, với diện tích hơn 200ha. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã, nhìn nhận: Qua việc liên kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đi vào ổn định, nhiều diện tích canh tác kém hiệu quả được khôi phục và từng bước hình thành vùng chuyên canh.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) liên kết với các hộ sản xuất măng tây xanh.
Không riêng gì DN, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng liên kết với nông dân sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), nhận thấy nghề nuôi heo đen và gà núi đang có xu hướng phát triển mạnh, HTX triển khai mô hình liên kết với các nông hộ phát triển chăn nuôi quy mô hàng trăm con heo đen, gà đồi. Anh Đỗ Huỳnh Hoàng, Giám đốc HTX cho biết: Để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, HTX tổ chức tập huấn cho thành viên, hộ chăn nuôi theo hướng sinh học, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận. Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho thành viên.
Thời gian qua, để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của trung ương về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngoài tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phục vụ tưới tiêu; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tỉnh còn xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp khuyến khích DN, HTX liên kết với nông dân ở các địa phương khai thác hiệu quả thế mạnh sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Theo ông Nguyễn Thái Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chapi Ninh Thuận, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ban ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty liên kết với người dân tại các địa phương sản xuất hơn 4.000 ha điều, toàn bộ sản phẩm hạt điều khô được công ty thu mua với giá từ 30.000-32.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng. Hoạt động liên kết sản xuất được thực hiện chặt chẽ, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Đánh giá của ngành chức năng, thông qua hình thức liên kết, các DN, HTX đã đảm nhiệm tốt vai trò đầu mối trong tổ chức sản xuất, điều tiết hợp lý nhu cầu tiêu thụ của thị trường, giảm bớt khâu trung gian đẩy giá thành tăng lên; đồng thời, giúp nông dân từng bước tiếp cận khoa học - kỹ thuật, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất tập trung. Đến nay, toàn tỉnh duy trì và phát triển được 63 liên kết chuỗi giá trị trồng trọt, với các loại cây trồng như: Lúa, nho, măng tây xanh, bắp, mía, mì, chanh không hạt... với tổng diện tích 14.267ha và 5 chuỗi liên kết chăn nuôi bò, dê, cừu, heo đen, gà bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả các mô hình liên kết sản xuất, từ đó đề xuất, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp duy trì và nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX làm “cầu nối” liên kết nông dân với DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp thông qua các sự kiện, hội chợ, sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần làm tăng giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đăng Khôi