Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh truyền thông trợ giúp pháp lý tại xã Phước Bình (Bác Ái).
Theo Luật TGPL, các đối tượng được thụ hưởng chính sách gồm: Hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình... không có đủ khả năng tài chính để thuê luật sư khi gặp các vấn đề liên quan đến pháp luật. Công tác TGPL sẽ cung cấp hoàn toàn miễn phí dịch vụ TGPL cho các đối tượng trên. Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh (gọi tắt là Hội đồng) cho biết: Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng, trong đó giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, thuộc Sở Tư pháp với cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được triển khai chặt chẽ, qua đó kịp thời trao đổi, tháo gỡ vướng mắc về thực hiện TGPL. Nhờ vậy, chất lượng, số lượng các vụ việc TGPL được nâng cao, đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Kết quả từ đầu năm đến nay, Hội đồng đã thực hiện TGPL cho 284 vụ việc, tăng 57 vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó số vụ việc được TGPL thành công là 89 vụ việc, tăng 44 vụ việc so với cùng kỳ.
Với những vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh sẽ cử trợ giúp viên pháp lý tham gia với tư cách là người bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Đặc biệt với các vụ việc hình sự, trợ giúp viên pháp lý đã tích cực nghiên cứu hồ sơ vụ án, vụ việc, tích cực tham gia tranh tụng để làm sáng tỏ nhiều tình tiết của vụ án, đặc biệt là xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho người vi phạm pháp luật hay bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Đơn cử như vụ án hình sự "Mua bán trái phép chất ma túy (MT)" của đối tượng Lê Thị Diễm, được TGPL thuộc diện hộ cận nghèo. Theo hồ sơ, Diễm có quen và sống chung với Nguyễn Hữu Chương, khi biết Chương bán ma túy thì Diễm có giới thiệu 2 người mua MT chỗ Chương. Chiều ngày 20/12/2022, khi Chương thực hiện hành vi mua bán trái phép chất MT thì bị công an bắt giữ. Sau đó, Diễm đến cơ quan công an đầu thú, tự nguyện khai báo về hành vi giúp Chương mua bán trái phép chất MT. Ngay sau đó, Diễm bị Công an Tp. Phan Rang- Tháp Chàm khởi tố về tội “Mua bán trái phép chất MT”.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt Diễm từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù. Qua tranh tụng, trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật, đồng thời xem xét việc Diễm lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp... Kết thúc phiên tòa, Diễm được tòa án tuyên 3 năm 6 tháng tù. Đây là hình phạt thích đáng mà Diễm phải nhận vì hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên với thời gian phạt tù được rút ngắn nhờ sự TGPL sẽ giúp Diễm có thêm cơ hội sớm hòa nhập và sửa chữa lỗi lầm.
Là người tham gia TGPL cho đối tượng Diễm và nhiều vụ việc khác liên quan đến hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, ông Lâm Thế Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh luôn tâm huyết làm sao để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người dân, dù là người bị hại hay phạm tội. Ông chia sẻ: Tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn, trong đó, không ngừng nỗ lực, nâng cao kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như: Công an, viện kiểm sát, tòa án... nhằm tiếp cận với các trường hợp được TGPL, tránh bỏ sót đối tượng được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí.
Ông Trần Văn Hiếu cho biết thêm: Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh, Hội đồng tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ TGPL; tăng cường phối hợp với các thành viên Hội đồng trong hoạt động tố tụng, phát hiện và TGPL kịp thời cho các đối tượng khó khăn, chính sách; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về TGPL nói chung và quyền được TGPL của người dân nói riêng, nhất là các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn... qua đó càng có thêm nhiều đối tượng khó khăn, chính sách được tiếp cận, thụ hưởng với chính sách nhân văn này.
Lê Thi