Lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Bác Ái

Huyện Bác Ái hiện có gần 34 nghìn người, trong đó dân tộc Raglai trên 29 nghìn người, chiếm 86% dân số toàn huyện.

Những năm qua, nhờ sự đầu tư của Đảng và Nhà nước về cơ sở vật chất, hạ tầng đến các thiết chế văn hóa đã giúp cuộc sống của người dân địa phương có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó phải kể đến sự tác động lớn từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã mang lại. Cụ thể, một số phong tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; nhân dân địa phương đoàn kết trong lao động, sản xuất; từng gia đình, khu dân cư thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; xây dựng các hương ước, quy ước trong tộc họ, khu dân cư nhằm đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Nhiều mô hình gắn với phong trào được thực hiện tốt như: Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Bảo vệ trật tự, an toàn giao thông” đã góp phần giải quyết tốt nhiều vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương. Hiện nay, trên địa bàn các xã có 149 tổ nhân dân tự quản; 23 tộc họ tự quản; 13 tổ cựu chiến binh tự quản; 3 mô hình tiếng kẻng an ninh; 1 tổ an ninh xung kích; 1 tổ chăn nuôi tự quản về ANTT và 2 cụm liên kết đảm bảo ANTT; 11 mô hình câu lạc bộ về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ở các xã và các trường học...

Các nghệ nhân xã Phước Thắng (Bác Ái) biểu diễn nhạc cụ Raglai.

Xã Phước Thắng được xem là điểm sáng của huyện Bác Ái về phong trào TDĐKXDĐSVH nhờ việc triển khai các giải pháp linh hoạt và sáng tạo. Dựa trên tinh thần đoàn kết của các cộng đồng các khu dân cư cũng như phát huy tiếng nói của người uy tín, cán bộ hưu trí, các nghệ nhân... địa phương đã xây dựng thành các quy ước, hương ước về các chuẩn mực ứng xử trong gia đình, cộng đồng, đồng thời tăng cường tuyên truyền các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm loại bỏ các hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng lành mạnh. Nghệ nhân Pi Năng Thị Kính ở thôn Ma Oai chia sẻ: Thời gian qua phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần tạo sự gắn kết giữa các gia đình, cộng đồng các khu dân cư, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, giúp bộ mặt nông thôn mới ở địa phương ngày càng khởi sắc.

Thời gian qua, huyện Bác Ái cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các nghệ nhân ưu tú tại địa phương tổ chức các lớp dạy sử dụng nhạc cụ Mã la cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, các em thanh thiếu nhi các trường học trên địa bàn huyện, qua đó giúp phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở các trường học diễn ra sôi nổi. Thầy giáo Bùi Hữu Pha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, cho biết: Qua gần 9 năm triển khai đưa nhạc cụ Mã La vào các tiết học ngoại khóa đã giúp các em học sinh nhà trường thêm trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng như tạo sân chơi lành mạnh nhằm ngăn chặn các văn hóa độc hại, những hiện tượng tiêu cực len lỏi vào trường học.

Từ thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại huyện nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân; cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đúng mức. Đến nay, 9/9 xã có nhà văn hóa - thể thao; 37/38 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn được xây dựng; 2 sân vận động tại hai xã Phước Tiến và Phước Thắng; 9 xã có sân khấu và âm thanh ánh sáng biểu diễn ngoài trời; 37/38 thôn có đội văn nghệ dân gian, có đội Mã la và chế tác đàn Chapi. Cùng với đó, việc xây dựng hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được nâng lên.

Ông Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bác Ái cho biết: Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, qua đó thúc đẩy sự phát triển văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh ở địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; lồng ghép các cuộc vận động với phong trào TDĐKXDĐSVH, góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng lành mạnh và phát triển; đẩy mạnh công tác vận động thực hiện xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức tốt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở..