Tin tổng hợp

* Năm 2023, Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử; Chương trình 118-TTr/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác cải cách hành chính được quan tâm triển khai quyết liệt, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số kết quả các chỉ số PAPI, SIPAS tiếp tục duy trì ở thứ hạng cao.

Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử. Ảnh: Văn Nỷ

Cụ thể, Chỉ số DTI (Chỉ số đánh giá về chuyển đổi số) thành phố đứng đầu trong 7 huyện, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, thành phố đứng đầu trong 7 huyện, thành phố; Chỉ số DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh) đứng thứ 2/7 trong huyện, thành phố; Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước) đạt 96% vượt kế hoạch cải cách hành chính Tp. Phan Rang - Tháp chàm năm 2023 đã đề ra. Dịch vụ Công trực tuyến (DVCTT), hiện nay, UBND thành phố đã cung cấp 259/270 DVCTT trong đó DVCTT toàn trình là 67, DVCTT một phần là 192; UBND 16 phường, xã cung cấp 94/109 DVCTT, trong đó DVCTT toàn trình là 21, DVCTT một phần là 73.

* Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh tập trung chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực cho khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực ngân hàng. Hoạt ngân hàng phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, ổn định, an toàn phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, cơ bản đáp ứng yêu cầu về vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 4 chi nhánh Ngân hàng thương mại nhà nước; 8 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần; 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; 3 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; 54 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc. Huy động vốn tăng trưởng bình quân 11,1%/năm; đầu tư tín dụng tăng bình quân 13,3%/năm.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Viettin Bank chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Cơ cấu tín dụng từng bước chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của tỉnh tập trung cho phục vụ sản xuất kinh doanh; kiểm soát và xử lý nợ xấu dưới mức cho phép; triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp thông qua tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm lãi suất cho vay, mở rộng cho vay lĩnh vực ưu tiên. Chương trình kết nối Ngân hàng với doanh nghiệp được duy trì và đạt kết quả khá tích cực. Có 1.495 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các Ngân hàng thương mại, với dư nợ 12.008 tỷ đồng, chiếm 30,8% dư nợ cho vay, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tăng trưởng chung kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.