Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 295 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và 2 trung tâm. Trong đó, có 5 trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú và 11 trường PTDT bán trú. Hệ thống trường học phủ khắp các xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho trên 149.000 học sinh (HS), trong đó có trên 37.500 HS DTTS tham gia học tập.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn từ cấp mầm non đến phổ thông như: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ gạo, cấp học bổng cho HS các trường bán trú, các chính sách đối với HS dân tộc nội trú, chính sách đào tạo diện cử tuyển và đào tạo dự bị đại học dân tộc. Ngoài ra, tỉnh ta có một số chính sách đặc thù như: Chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm Chương trình sữa học đường trên địa bàn huyện Bác Ái giai đoạn 2019-2020; chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo thuộc diện hộ cận nghèo ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Lớp học xóa mù chữ tại Trường TH-THCS Mai Thúc Loan, xã Xuân Hải (Ninh Hải).
Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm học qua, HS nghèo vượt khó, HS khuyết tật, HS DTTS, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn của tỉnh còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như trong năm học 2022-2023, Quỹ học bổng của Báo Người Lao Động đã tặng 100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho HS DTTS, HS nghèo trên địa bàn tỉnh; Quỹ học bổng Vừ A Dính tặng 80 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho HS DTTS có hoàn cảnh khó khăn; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp trao tặng 200 suất học bổng cho HS DTTS. Đầu năm học 2023-2024, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Viettel Ninh Thuận xây dựng kế hoạch, tổ chức trao tặng 170 suất học bổng “Vì em hiếu học” năm 2023 trị giá 340 triệu đồng cho HS tiểu học (TH) và THCS thuộc hộ nghèo, cận nghèo có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, bãi ngang ven biển thuộc các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam.
Thúc đẩy phát triển GD&ĐT nói chung, giáo dục vùng DTTS và miền núi nói riêng, UBND tỉnh và các địa phương cũng đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép và phối hợp với các nguồn vốn, các chương trình, dự án tại địa phương để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên cho vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Thông qua các nguồn vốn, từ năm 2013-2022 toàn tỉnh đã đầu tư trên 1.880 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới 1.543 phòng học các cấp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, HS có không gian học tập, sinh hoạt khang trang. Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, có hiệu quả việc xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào cuộc sống; chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS; tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt; phối hợp triển khai có hiệu quả công tác huy động HS đến trường, duy trì sĩ số, hạn chế HS bỏ học, nghỉ học cách nhật; giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn... Các trường cũng đưa giáo dục văn hóa dân tộc vào giảng dạy theo hướng lồng ghép, tích hợp vào các bộ môn khoa học xã hội; tổ chức dạy học tiếng Chăm, tiếng Raglai cho HS TH theo chương trình của Bộ GD&ĐT, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với dạy học tại các nhà trường, nhiều cán bộ, giáo viên công tác tại vùng DTTS và miền núi đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia các đợt khảo sát, vận động, tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục TH cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Điển hình như dịp hè năm 2023, cán bộ, giáo viên Trường TH-THCS Mai Thúc Loan (Ninh Hải) đã tổ chức 4 lớp xóa mù chữ với 83 học viên là đồng bào Chăm xã Xuân Hải tham gia học tập chương trình lớp 1; cán bộ, giáo viên Trường TH Vĩnh Hy và Trường TH-THCS Ngô Quyền (Ninh Hải) tổ chức 9 lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục TH cho đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy và Đá Hang (xã Vĩnh Hải) với hơn 100 học viên tham gia học tập từ chương trình lớp 1 đến lớp 5.
Việc triển khai đồng bộ, linh hoạt những giải pháp, hoạt động nói trên đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh nói chung, chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi nói riêng. Trong năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 50,7% HS các trường PTDT nội trú được xếp loại học lực từ khá trở lên. Đối với các trường PTDT bán trú: Tỷ lệ HS cấp TH có 2 môn Toán và Tiếng Việt được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt đạt 98%; HS cấp THCS được đánh giá học lực từ trung bình trở lên đạt 97,3%, hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 100%. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 của Trường PTDT nội trú Pi Năng Tắc (Bác Ái) đạt 100%, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đạt 98,84%, đều cao hơn mức bình quân của tỉnh là 96,71%. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp được duy trì ổn định; khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền từng bước được rút ngắn; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực toàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH tại địa phương.
Lâm Anh