Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV. Qua rà soát, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, hiệp hội liên quan đã tổng hợp, phân loại thành 24 phụ lục tương ứng với 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó, có 22 lĩnh vực trọng tâm. Đối với văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan thực hiện rà soát 397 văn bản, gồm: 60 luật, nghị quyết của Quốc hội; 139 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 198 văn bản khác do các cơ quan trung ương ban hành.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương đã tập trung cho ý kiến đối với các lĩnh vực, nhất là những nội dung còn chồng chéo, bất cập, vướng mắc tại các luật, nghị quyết, nghị định, thông tư.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung báo cáo là phát hiện, đánh giá các bất cập, vướng mắc, chồng chéo. Do đó, đề nghị thời gian tới, Tổ công tác cần tiếp tục rà soát trong 22 lĩnh vực trọng tâm, qua đó đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định. Tập trung đánh giá, rà soát vào những nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn, gây lãng phí cho xã hội, kẽ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó đề xuất các kiến nghị, để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đối với các nội dung vướng mắc, bất cập trong các thông tư của các bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải khẩn trương sửa đổi, tháo gỡ. Bên cạnh đó, Tổ công tác phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đảm bảo thời gian hoàn thiện báo cáo theo quy định.
Hồng Nguyệt