Theo ghi nhận tại Bệnh viện Mắt tỉnh, chỉ tính từ đầu tháng 9/2023 đến nay, Bệnh viện Mắt tỉnh đã tiếp nhận khám và điều trị cho gần 171 bệnh nhân bị viêm kết mạc cấp, trong đó Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 53 ca; Ninh Phước 50 ca; Ninh Hải 32 ca. Có ngày cao điểm bệnh viện tiếp nhận gần 50 ca bệnh, tập trung chủ yếu là trẻ em, học sinh.
Vừa được thăm khám xong, em Nguyễn Kiên Quốc, học sinh lớp 6, Trường THCS Võ Thị Sáu (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Do bị đau mắt nên em xin nghỉ học hai hôm nay. Mắt em hiện đang đau cộm, chảy nước mắt nhiều và sưng đỏ. Em được thăm khám và về nhà theo dõi, điều trị theo hướng dẫn của các bác sĩ.
Không chỉ ở Bệnh viện Mắt tỉnh mà tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế huyện lượng bệnh nhân ĐMĐ trong những ngày qua cũng có xu hướng tăng cao. Tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải từ đầu tháng 9 đến nay tiếp nhận, điều trị 66 ca. Bệnh viện Đa khoa tỉnh trung bình mỗi ngày tiếp nhận 40 ca bệnh ĐMĐ...
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ.
ĐMĐ là từ dân gian quen dùng để chỉ tình trạng viêm kết mạc do nhiễm khuẩn, vi rút, viêm dị ứng gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng tháng 7-9, là những tháng mưa nhiều. Người bị ĐMĐ thường có những biểu hiện như: Mắt đau cộm, cảm giác như cát trong mắt; chảy nước mắt và có nhiều rỉ, có khi sáng ngủ dậy rỉ làm mi mắt dính chặt; mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai, kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai. Do tác nhân chủ yếu của bệnh ĐMĐ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng. Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua đường hô hấp, qua nước bọt, nước mắt, lây qua những vật dụng hằng ngày như khăn rửa mặt, đồ dùng cá nhân,...
Theo bác sĩ Đinh Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh: Khi có các dấu hiệu ĐMĐ, người bệnh cần tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, tránh những tai biến đáng tiếc. ĐMĐ là bệnh cấp tính, dễ lây nhưng thường lành tính ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu sẽ gây ảnh hưởng thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh và can thiệp kịp thời khi mắc bệnh.
Hiện bệnh ĐMĐ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, đối với ĐMĐ người bệnh thường được điều trị triệu chứng như: Vệ sinh mắt bằng cách rửa mắt, giảm đau, chống viêm, tăng cường sức đề kháng và dùng kháng sinh chống bội nhiễm. Người bệnh ĐMĐ không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.
Để phòng ngừa bệnh ĐMĐ, tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, dùng riêng đồ dùng cá nhân, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, mang kính mắt khi ra đường, rửa mắt với dung dịch NaCl 0,9% 3 lần/ngày... Riêng người mắc bệnh ĐMĐ hoặc có dấu hiệu ĐMĐ cần giữ gìn vệ sinh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Mỹ Dung