Tin vắn

Ngày 18/8, UBND huyện Ninh Phước tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện đợt I/2023 cho các chủ thể.

Trong năm 2023, huyện Ninh Phước có 13 sản phẩm mới của 8 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Qua quá trình xét chọn ý tưởng, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh, khảo sát cơ sở và dựa trên các tiêu chí đánh giá, xếp hạng, có 4 sản phẩm gồm: Táo Hoàng Dãi, táo sấy dẻo tách hạt Trung Tuấn, táo xanh Tường Vy và mãng cầu Ngọc Thiên được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện chấm điểm đạt từ 50 điểm trở lên và đủ điều kiện đánh, xếp hạng đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể. Ảnh: T.Mạnh

* Hiện nay, nông dân huyện Ninh Phước bước vào thu hoạch rộ lúa vụ hè thu. Trong vụ hè thu toàn huyện đã xuống giống 4.382 ha, nhờ thời tiết thuận lợi, nước tưới ổn định, bà con sản xuất theo đúng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến điển hình nhất là quy trình “1 phải, 5 giảm” nên lúa sinh trưởng tốt, thu hoạch đúng thời vụ, năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, tương đương cùng kỳ năm trước nhưng bà con rất phấn khởi vì giá lúa tăng cao. Với giá lúa khô hiện tại là 8.600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 15-20 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Phước Thái (Ninh Phước) thu hoạch lúa vụ hè thu. Ảnh: V.Miên

* Tiếp tục triển khai đa dạng hóa các hình thức, ngành nghề đào tạo gắn với giải quyết việc làm; tích cực hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín, thương hiệu, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Mạng lưới dạy nghề được mở rộng theo hướng xã hội hoá. Toàn tỉnh có 19 cơ sở dạy nghề (12 cơ sở công lập, 7 cơ sở ngoài công lập, 2 phân hiệu đại học, 2 trường Trung cấp); cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường. Đầu tư mở rộng trường Cao đẳng nghề, Trường Trung cấp Y tế; sáp nhập trường Cao đẳng sư phạm vào phân hiệu Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, hướng đến mục tiêu xây dựng Trường Đại học đa ngành khi đủ điều kiện. Trong 3 năm, dạy nghề cho 27.104 lao động, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp nghề cho 2.518 lao động, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 24.586 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2023 lên 65,4%, tăng 5,2% so năm 2020, trong đó lao động có bằng cấp đạt 29%, tăng 4,9% so năm 2020; hàng năm có khoảng 60-70% lao động có việc làm sau đào tạo nghề.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận được đầu tư hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ

* Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều chuyển biến và đạt một số kết quả quan trọng, trọng tâm là triển khai Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hoá, trình độ công nghệ cho doanh nghiệp. Có 31 dự án đi vào hoạt động (trồng trọt 18, chăn nuôi 3, thủy sản 2, chế biến nông sản 2). Tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học Công nghiệp và tỉnh về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023-2030. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ được quan tâm đào tạo và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới phương pháp sản xuất cho nông dân. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong các tổ chức khoa học công nghệ và các đơn vị sự nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ là 737 người, trong đó có 5 tiến sĩ, 114 thạc sỹ, 569 đại học, cao đẳng và 49 trình độ khác. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh đạt kết quả bước đầu; trong 3 năm triển khai mới 25 đề tài, trong đó có 2 đề tài cấp nhà nước.