Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân vốn đầu tư các công trình giao thông

Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (gọi tắt là BQL) được giao làm chủ đầu tư 3 dự án, với tổng nguồn vốn hơn 623 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị đã tăng cường phối hợp với các địa phương và nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân các dự án theo đúng kế hoạch (KH).

Chuyển vốn đối với dự án chưa có điều kiện giải ngân

Khó khăn nhất hiện nay trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công công trình giao thông đó là dự án thành phần 2 - đường từ xã Ma Nới (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng). Đối với dự án này, hiện các nhà thầu đang tập trung tổ chức triển khai thi công các phân đoạn đã có mặt bằng (8 km/23,1 km trên địa phận tỉnh Ninh Thuận và 15 km/17,1 km trên địa phận tỉnh Lâm Đồng) để có khối lượng giải ngân vốn đã bố trí trong năm 2023. Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn nên hiện chỉ mới giải ngân đạt được 80,53/511,32 tỷ đồng, đạt 15,75% KH. Theo BQL, đơn vị chủ đầu tư, khó khăn, vướng mắc tại dự án là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đặt biệt là công tác lập hồ sơ chuyển đổi đất rừng và công tác lập thủ tục xin chuyển đổi rừng sang đất khác. Hiện nay, đơn vị chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ làm việc với các bộ, ngành trung ương để thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, công việc này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, hiện nay tại khu vực Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, tình hình thời tiết đến cuối năm diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Do đó, để giải ngân vốn đã bố trí, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, BQL đã phải đề nghị điều chỉnh KH sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương để bố trí cho dự án liên vùng.

Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc BQL cho biết: Đến thời điểm này, 3 dự án giao thông do đơn vị làm chủ đầu tư đã giải ngân được 136,73 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn hơn 623,44 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, đạt 21,93% KH. Theo đó, đơn vị phấn đấu đến 30/9 giải ngân trên 117 tỷ đồng, tương đương 40,72% KH. Đến cuối năm dự kiến giải ngân thêm 109,577 tỷ đồng, nâng tổng số vốn giải ngân trong năm 2023 lên 363,44/623,44 tỷ đồng, đạt 58,3% KH. Khó khăn hiện nay tập trung chủ yếu tại dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng, khả năng đến cuối năm sẽ chỉ giải ngân được 49,2% KH; chủ yếu thanh toán khối lượng xây dựng của các gói thầu đã có mặt bằng thi công và công tác bồi thường, GPMB; số vốn còn lại chưa thể giải ngân 260 tỷ đồng, hiện chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các dự án có nhu cầu sử dụng vốn.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án

So với các dự án kể trên, dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải mặc dù có khả thi hơn, nhưng hiện vẫn đang gặp khó khăn do công tác GPMB khu dân cư phục vụ dự án vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao để triển khai, nên chưa hoàn thành để bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân có nhà bị giải tỏa. Hiện nay dự án đã giải ngân được 56,20/82,12 tỷ đồng, đạt 68,43% KH. Dự án thành phần 1: Đường từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1 thuộc dự án đường vành đai phía Bắc tỉnh có vốn 30 tỷ đồng, hiện chưa giải ngân, nhưng dự án cơ bản đã triển khai hoàn thành các khối lượng công việc theo thiết kế, hiện đang triển khai thực hiện bổ sung vuốt nối với các đường dân sinh và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8/2023.

Thi công tuyến đường từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc BQL cho biết thêm: Để giải ngân hết KH vốn năm 2023, đơn vị chủ đầu tư đang tập trung thực hiện một số giải pháp như: Thường xuyên tổ chức kiểm tra công trường, xử lý các vướng mắc phát sinh để không làm ảnh hưởng đến tiến độ của nhà thầu, chấn chỉnh và xử lý kịp thời đối với nhà thầu chậm tiến độ. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành, địa phương liên quan để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB nhằm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Mặt khác, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều chỉnh giảm vốn của dự án sang các dự án khác có nhu cầu sử dụng. Đối với dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục làm việc với bộ, ngành liên quan điều chỉnh KH trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách trung ương để bố trí vốn cho dự án trong năm 2023. Sau khi được điều chỉnh giảm vốn, BQL sẽ giải ngân 100% KH vốn giao trong năm 2023.