Phát huy vai trò Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 19/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân (HND) thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (NNNT) đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đối với vai trò, vị trí của HND trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU, các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực, chủ động triển khai thực hiện đưa chỉ thị đi vào cuộc sống. Công tác lãnh đạo tham mưu thực hiện nhiệm vụ chính trị có chuyển biến rõ nét, nhất là sự phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương đề xuất kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các cơ chế, chính sách hỗ trợ NNNT; việc tham mưu bố trí vốn đầu tư triển khai các dự án lĩnh vực NNNT được quan tâm hơn, nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, phát huy được hiệu quả, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ NNNT; công tác vận động, thu hút đầu tư vào lĩnh vực NNNT được tích cực triển khai. Giai đoạn 2017-2022, nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đã đầu tư 4.541 tỷ đồng cho NNNT để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển NNNT, nhiều công trình thủy lợi có quy mô lớn được đầu tư; 6.570 m đê kè được hoàn thiện, góp phần chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư; các công trình giao thông liên thôn được đầu tư nâng cấp, đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, qua đó tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, đến nay đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã thông suốt quanh năm. Tỉnh vận động 24 dự án ODA với tổng vốn đăng ký 4.352 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực NNNT; thu hút 10 dự án NGO/1,3 triệu USD hỗ trợ các lĩnh vực y tế, giáo dục ở vùng nông thôn; kêu gọi 13 dự án FDI/728.000 USD hoạt động trên các lĩnh vực ở vùng nông thôn. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân trên địa bàn nông thôn, đồng thời thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM.

Các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần động viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương; quan tâm, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên (HV), nông dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân. Công tác xây dựng Quỹ HND được quan tâm chỉ đạo, tăng trưởng thường xuyên qua việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vận động đóng góp từ HV, đã giúp cho việc hỗ trợ HV nông dân vay thực hiện các mô hình, dự án sản xuất được kịp thời, hiệu quả. Trong 5 năm qua, xây dựng quỹ hội được hơn 25,83 tỷ đồng, tăng 15,83 tỷ đồng so với năm 2017. Từ 2018 đến tháng 12/2022, nguồn vốn trung ương, tỉnh giải ngân 153 dự án/48 tỷ đồng cho 1.698 lượt hộ vay vốn. Hoạt động phối hợp ủy thác và tín dụng với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT ước đạt trên 1.724,02 tỷ đồng thông qua 708 tổ tín dụng đã giải quyết cho trên 34.298 lượt hộ vay vốn phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Các phong trào thi đua do Hội phát động, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là phong trào trọng tâm có tác động mạnh, khuyến khích nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn huy động vốn đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và phát huy hiệu quả, hình thành nên những vùng sản xuất tập trung của nông dân, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Các cấp hội đã tham gia tích cực vào phong trào thi đua xây dựng NTM, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa; phong trào tương thân, tương ái giúp đỡ gia đình HV có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 2 huyện NTM, 31/47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 40/254 thôn đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM nâng cao. Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vai trò, trách nhiệm của HND trong phát triển NNNT, xây dựng NTM ngày càng được thể hiện rõ, tăng niềm tin, sự phấn khởi và sự gắn bó của người nông dân đối với tổ chức hội, vị thế của HND ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Với mục tiêu xây dựng “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”; tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình xây dựng NTM. Trong thời gian đến, các cấp HND tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo có kế hoạch cụ thể trong việc tuyên truyền, quán triệt, vận động, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện để các cấp HND phát huy tích cực vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. HND các cấp tiếp tục tích cực tuyền truyên, vận động, đẩy mạnh phòng trào xây dựng NTM, nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái, đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và dân cư nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Quan tâm công tác xây dựng HND vững mạnh, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở để thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.