Ông Đàng Nguyên, thôn Tân Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) được bà con tín nhiệm bầu làm NCUT từ năm 2012. Với vai trò của mình, ông luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động bà con DTTS thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Năm 1975, sau khi học Trường Kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh, ông công tác tại địa phương và có khoảng thời gian dài đảm nhiệm Đội trưởng Đội sản xuất số 7, Hợp tác xã Hữu Đức. Vận dụng kiến thức chuyên môn, ông “cầm tay, chỉ việc”, tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, các kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng khác nhau. Từ sự hỗ trợ này, nhiều bà con vững tay nghề trong sản xuất, chất lượng, năng suất cây trồng tăng lên, đời sống dần ổn định. Hiện nay ông Nguyên đã 75 tuổi, nhưng vẫn miệt mài tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức về nông nghiệp; đồng thời phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động bà con triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, nhất là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa gắn với biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm”. Ông chia sẻ: Để bà con đồng thuận, tin theo những gì mình nói, trước tiên bản thân và gia đình phải tiên phong đi đầu. Vì vậy, vào năm 2020, khi địa phương triển khai mô hình, tôi đã hưởng ứng, tham gia, áp dụng và tuân thủ các quy trình, thời vụ sản xuất, nhờ vậy, năng suất lúa tăng lên 65-70 tạ/ha. Từ kết quả này, nên khi vận động bà con hầu hết đều đồng thuận, hưởng ứng. Đến nay, toàn thôn có 50 ha lúa thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với hơn 70 hộ tham gia. Đồng chí La Văn Điểm, Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức cho biết: Những năm qua, ông Nguyên luôn phối hợp với chi bộ, Ban Quản lý thôn tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến bà con địa phương. Đặc biệt vận động bà con hưởng ứng các phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng đổi mới, tăng thu nhập. Nhờ đó, đến nay, toàn thôn chỉ còn 2% hộ nghèo.
Ông Đàng Nguyên, thôn Tân Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước)
chia sẻ kỹ thuật chăm sóc lúa cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Hay như ông Katơr Quỳnh, NCUT thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình (Bác Ái), nhận thấy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với trồng cây ăn quả, ông tiên phong chuyển 2 ha đất rẫy trồng bắp, lúa sang trồng bưởi da xanh kết hợp một số cây ăn quả trên đất đồi. Qua hơn 7 năm đầu tư, đến nay, mô hình đã giúp gia đình trở thành hộ giàu trong xã. Với kinh nghiệm tích lũy trong trồng trọt, ông đã vận động bà con Raglai trên địa bàn xã chuyển các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, nhờ đó khoảng 5 năm trở lại đây diện tích cây ăn quả như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, bơ, xoài... trên địa bàn xã Phước Bình đã phát triển trên 200 ha. Không dừng lại đó, ông còn vận động bà con xây dựng cảnh quan, chăm sóc hoa các tuyến đường, bảo vệ môi trường nhằm tạo điểm nhấn cho khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm tại Phước Bình, góp phần tạo thêm sinh kế cho bà con DTTS cũng như đưa du lịch địa phương ngày càng phát triển.
Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, đội ngũ NCUT trên địa bàn tỉnh ta chính là hạt nhân phát triển kinh tế ở địa phương; được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng. NCUT vừa chủ động, tiên phong xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình, vừa định hướng và giúp bà con địa phương cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào tại địa phương. Qua đó, đội ngũ NCUT đã đóng góp tích cực trong xây dựng vùng đồng bào DTTS nói riêng và quê hương tỉnh nhà ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.
Thế Quyết