Mức đóng BHYT Học sinh, Sinh viên
Mức đóng BHYT HSSV là 4,5% mức lương cơ sở tại thời điểm (1.800.000 đồng) nhân (x) với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Trong đó, HSSV đóng 70%, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, cụ thể: Số tiền HSSV đóng BHYT của 1 tháng (70%): 1.800.000 đồng x 4,5% x 70% = 56.700 đồng/tháng/HSSV. Cụ thể: Kỳ đóng BHYT 3 tháng, mức đóng 170.100 đồng; kỳ đóng BHYT 6 tháng, mức đóng 340.200 đồng; kỳ đóng BHYT 12 tháng, mức đóng 680.400 đồng.
Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.
Phương thức đóng, thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 146/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với học sinh lớp 1 năm học 2023-2024 thực hiện như sau: Sinh trước ngày 30/9 (thẻ BHYT đã được cấp theo đối tượng trẻ em trước đó có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi) đóng BHYT 3 tháng, hạn sử dụng của thẻ BHYT từ ngày 1/10/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/2024 đóng tiếp theo phương thức đóng, tối thiểu là 3 tháng (khuyến khích đóng đủ 12 tháng để hạn sử dụng của thẻ BHYT đến hết ngày 31/12/2024);
Sinh sau ngày 30/9, thẻ BHYT đã được cấp theo đối tượng trẻ em trrước đó có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi (sinh các ngày trong tháng 10, 11, 12 thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng sinh. Học sinh vào lớp 1 mà thẻ BHYT trẻ em còn còn hạn sử dụng thì sử dụng thẻ BHYT trẻ em đi khám, chữa bệnh). Đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng (hạn thẻ từ năm 2023 sang các tháng của năm 2024). Các trường hợp trên nếu có nhu cầu đóng 13 tháng (đối với trẻ sinh trong tháng 11), 14 tháng (đối với trẻ sinh trong tháng 10), 15 tháng (đối với trẻ sinh trong tháng 9) thì thực hiện thu và gia hạn thẻ đến hết ngày 31/12/2024.
Thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng
Thẻ BHYT được cấp hằng năm cho HS của cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó: Đối với HS lớp 1, thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 1/10/2023 (do thẻ BHYT cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi hết hạn sử dụng từ ngày 1/10/2023, trừ trẻ em sinh sau ngày 30/9/2017); đối với HS lớp 12, thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9/2024.
Thẻ BHYT được cấp hằng năm cho HSSV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, đối với HSSV năm thứ nhất của khóa học, thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của HS lớp 12 đang còn giá trị sử dụng; đối với HSSV năm cuối khóa học, thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Quyền lợi khi tham gia BHYT
Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KCB) ban đầu: HSSV tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong địa bàn tỉnh được coi là đúng tuyến. Được KCB thông tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện và được thông tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc.
HSSV tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký KCB ban đầu vào tháng đầu mỗi quý trong năm (các tháng 1, 4, 7, 10) và thẻ BHYT có giá trị sử dụng ngay sau ngày thực hiện điều chỉnh. Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học từ nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại.
Được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định. Cụ thể, trường hợp KCB đúng tuyến nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB tại tuyến xã; 100% chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương số tiền 270.000 đồng); 100% chi phí KCB BHYT khi chi phí cùng chi trả trong năm (kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục) của các đợt đi KCB đúng tuyến vượt quá 6 tháng lương cơ sở (hiện tại tương đương số tiền 10.800.000 đồng) nhưng chưa được hưởng quyền lợi ngay tại cơ sở KCB. Người bệnh có trách nhiệm lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Trường hợp, đi KCB vượt tuyến, trái tuyến (không đúng cơ sở y tế đăng ký KCB ban đầu) và có trình thủ tục BHYT, thì được hưởng quyền lợi KCB như sau: 40% chi phí điều trị nội trú theo quyền lợi thẻ tại bệnh viện tuyến trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú theo quyền lợi thẻ tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí KCB ngoại trú, nội trú tại bệnh viện tuyến huyện (được hưởng theo quyền lợi thẻ BHYT).
Lưu ý, trường hợp cấp cứu, được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT nào và được hưởng quyền lợi đúng tuyến. Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở. Phần chi phí chênh lệch còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.
Trường hợp KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT, người có thẻ BHYT tự thanh toán chi phí với cơ sở y tế và đem chứng từ về cơ quan BHXH để được thanh toán lại theo mức quy định.
Xuân Bính