Tại phiên thảo luận tổ, có 27 đại biểu tham gia với 31 lượt ý kiến. Đa số các đại biểu nhất trí, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm; phản ánh những tồn tại, hạn chế, đóng góp nhiều ý kiến vấn đề cử tri quan tâm như: Giải pháp thực hiện hiệu quả mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đề ra; đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn; giải pháp thu hút phát triển ngành Công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển; nhân rộng các mô hình giảm nghèo; khắc phục tình trạng thiếu cục bộ sách giáo khoa ở một số cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; chuyển đổi số...
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đề nghị làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm chỉ đạt 7,95%, chưa đạt mục tiêu đề ra (kế hoạch đề ra từ 10-11%); giải pháp nào để tỉnh đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2023.
Đại biểu Pi Năng Thị Mai chất vấn tại kỳ họp.
Về vấn đề này, đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở dự báo những yếu tố thuận lợi, khó khăn, khả năng các ngành còn dư địa tăng trưởng, UBND tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Kịch bản 1: Tốc độ tăng GRDP 9,5%. Đây là kịch bản dự báo có những khó khăn, thử thách, cơ hội, thuận lợi mới. Các dự án trong Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam sớm hoàn thành đi vào hoạt động; các ngành công nghiệp chế biến ổn định năng lực sản xuất, thị trường tiêu thụ; dịch vụ - du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Kịch bản 2: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng 11,5%, tính chung cả năm tăng 10,02%. Để thực hiện tốt kịch bản này, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt khai thác ngành năng lượng, các dự án sản xuất trong các Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và ngành Du lịch.
Trả lời vấn đề đại biểu Lê Công Bình, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 12, huyện Thuận Nam đề nghị ngành chức năng cho biết các giải pháp để giảm hụt thu, đạt được chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh năm 2023 trong tình hình dự báo khó khăn, suy giảm kinh tế, lạm phát vẫn ở mức cao, đồng chí Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Dự báo thu ngân sách 6 tháng cuối năm rất khó khăn. Ngành Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế và Chi cục Hải quan thường xuyên rà soát, đánh giá từng chính sách thuế và làm việc với từng địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện công tác này. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ định giá đất làm cơ sở để tăng thu từ nguồn lực đất đai. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thoát nguồn thu...
Tại phiên chất vấn, các đại biểu còn phản ánh, đề xuất, kiến nghị các giải pháp giải quyết khó khăn, tồn tại, hạn chế trên nhiều lĩnh vực: Chuyển đổi số; kỷ luật, kỷ cương hành chính; đuối nước trẻ em; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; giải quyết đất ở nông thôn cho người nghèo; nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nạo vét luồng lạch cảng cá Đông Hải... Các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất được các cấp, các ngành chức năng tiếp thu, giải trình, làm rõ.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá buổi thảo luận diễn ra chất lượng, hiệu quả, thực chất. HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2023 theo báo cáo, giải trình của các sở, ngành. Yêu cầu UBND tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2026 tập trung thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu từng ngành, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa để làm động lực cho tăng trưởng. Tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm, triệt để những kiến nghị, đề xuất của cử tri, nhân dân theo báo cáo tổng hợp của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại kỳ họp.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu họp phiên chất vấn và nghe trả lời chất vấn của lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh. Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Sen, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 6, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đề nghị Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết giải pháp để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS đều đạt và vượt qua các năm; tuy nhiên vẫn còn thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS phát triển KT-XH, trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; quan tâm các chính sách giáo dục, đào tạo, cử tuyển, nâng cao dân trí; minh bạch các chính sách gắn với bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; đẩy mạnh các phong trào thi đua giảm nghèo “không ai bị bỏ lại phía sau”; chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển KH-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đối với vấn đề đại biểu Pi Năng Thị Mai, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 2, huyện Bác Ái nêu việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều lúng túng, kết quả giải ngân nguồn vốn chương trình chưa đạt kế hoạch, đồng chí Pinăng Thị Thủy cho biết, đến ngày 30/6/2023, tỷ lệ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch năm 2022 được giải ngân 92%; vốn sự nghiệp 56,29%; tỷ lệ nguồn nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch năm 2023 được giải ngân 46,55%; vốn sự nghiệp 18,27%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn chưa đạt kế hoạch đề ra, như: Một số cơ chế, chính sách mới nhưng văn bản hướng dẫn của trung ương chưa kịp thời; tỉnh thiếu chủ động trong việc điều tiết kinh phí... Để thực hiện hiệu quả chương trình, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi, cập nhật các quy định, văn bản chỉ đạo mới của trung ương để tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch. Tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các đơn vị thực hiện chương trình. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc; định kỳ thực hiện giao ban giữa các địa phương, chủ dự án với cơ quan thường trực chương trình, qua đó kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, triển khai thực hiện chương trình, bảo đảm nguồn vốn được giải ngân đúng tiến độ, quản lý tốt.
Liên quan đến các nội dung chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, đại biểu Lê Kim Hiệp, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 8, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nêu tình trạng chậm tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là vụ án hành chính, ngành cần có giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên?
Trả lời về vấn đề này, đồng chí Lê Hưng Dũng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực, thẩm quyền, phạm vi xét xử của tòa án được mở rộng, số lượng án hành chính tại tòa án do đó cũng tăng lên. Phần lớn các vụ án hành chính có liên quan đến đất đai, rất phức tạp; trong khi đó, biên chế của ngành lại hạn chế, dẫn đến chậm tiến độ giải quyết các vụ án. Để giải quyết khó khăn, trước mắt tòa án điều động thẩm phán từ những tòa án có số lượng ít sang tòa án có số lượng vụ án tăng đột biến để giải quyết. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, thư ký. Tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan giải quyết nhanh các khâu cung cấp tài liệu, chứng cứ, tống đạt các văn bản tố tụng. Ngoài ra, tòa án cũng đã yêu cầu tòa án nhân dân tối cao điều chỉnh, tăng thêm biên chế cho tòa án hai cấp của tỉnh...
Ngoài ra, một số đại biểu còn chất vấn Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh nhiều vấn đề: Giải pháp nhằm giải quyết sinh kế, ổn định, nâng cao đời sống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do của bà con DTTS; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử; kiện toàn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn; giải pháp nào để nâng cao hòa giải, đối thoại của ngành Tòa án... Các vấn đề chất vấn được lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh cùng các sở, ngành liên quan trả lời cụ thể.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh giải trình khá rõ các vấn đề đại biểu nêu; thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và có giải pháp, quyết tâm trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị, đối với Ban Dân tộc tỉnh, tập trung các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, góp phần đẩy nhanh hiệu quả 3 chương trình MTQG, đảm bảo đúng quy định. Trong đó, cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền; tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát; huy động tối đa nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, góp phần phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, đồng chí yêu cầu tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, có các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án; kiện toàn, nâng cao chất lượng nhân lực...
Nguyên Vũ