Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Phan Tấn Cảnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh có nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội (KT-XH), đời sống của Nhân dân trong tỉnh; trong đó, tập trung đánh giá khách quan, toàn diện tình hình KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm; thảo luận, phân tích, xem xét, đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2023; thảo luận, xem xét, thông qua 38 nghị quyết trên các lĩnh vực nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh... Đề nghị các đại biểu nghiên cứu sâu kỹ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cụ thể, thẳng thắn giúp HĐND tỉnh có cơ sở quyết nghị thông qua nghị quyết bảo đảm khả thi, sát đúng với tình hình thực tiễn, tạo động lực quan trọng góp phần phát triển KT-XH trong thời gian tới, tạo sự đồng thuận cao của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: U.Thu
Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình KT-XH tiếp tục phục hồi, tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 12.311 tỷ đồng, tăng 7,95% so cùng kỳ. Giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.176 tỷ đồng, tăng 4,88%; công nghiệp - xây dựng 4.516 tỷ đồng, tăng 10,8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 1.820 tỷ đồng, đạt 49,8 % kế hoạch. Môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7.587 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch, tăng 6,9% so cùng kỳ. Trên các lĩnh vực văn hóa- xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt. Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 9.943 lao động, đạt 62,1% kế hoạch; đào tạo nghề cho 4.738 người... Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho -Vang Ninh Thuận năm 2023. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Các đại biểu dự Khai mạc Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI. Ảnh: P.Bình
Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các chương trình, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh năm 2023. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá: Đẩy nhanh đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; đẩy mạnh các ngành dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp thủy sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè-thu và vụ mùa gắn với triển khai hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cánh đồng lớn. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng khoa học-công nghệ, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành công nghiệp-xây dựng tập trung kêu gọi thu hút đầu tư các dự án năng lượng. Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho công nghiệp chế biến. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là xây dựng Phan Rang – Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Đối với ngành thương mại-dịch vụ, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội, dư địa tăng trưởng các ngành dịch vụ du lịch gắn với đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nhất là các ngành: du lịch, thương mại, dịch vụ, logistics... Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực, vùng kinh tế trọng điểm; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách; quản lý tài nguyên môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính. Quan tâm thực hiện tốt trên các lĩnh vực văn hóa- xã hội, chăm lo tốt đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: U.Thu
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt thẩm tra kết quả KT-XH năm 2022 và tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đầu năm 2023; kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2022”. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo tóm tắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Lãnh đạo các sở, ngành chức năng báo cáo tóm tắt 36 tờ trình dự thảo nghị quyết liên quan đến phát triển KT-XH; các Ban HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra các tờ trình dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh báo cáo tờ trình dự thảo nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2024.
Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 19 đến ngày 21/7, Báo Ninh Thuận tiếp tục cập nhật đưa tin theo chương trình kỳ họp.
Uyên Thu