Khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, đẩy mạnh CCHC, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới. Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, việc tổ chức các Phiên họp của Ban Chỉ đạo phải được triển khai kết nối trực tuyến tới cấp xã; nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phân cấp cho cấp xã - nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với người dân nhanh nhất, trực tiếp tiếp xúc, làm việc nhiều với người dân và doanh nghiệp. Đối với Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC nói chung, đặc biệt là những vấn đề nổi lên, những vấn đề người dân quan tâm, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới trong công tác CCHC, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay…
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Theo Ban Chỉ đạo, 6 tháng đầu năm 2023, Công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá trong CCHC. Trên cơ sở các nhiệm vụ đã đề ra, tính đến ngày 21/6/2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1384 nhiệm vụ, đạt 46,09% so với kế hoạch. 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng chính quyền điạ phương; cải cách chế độ công vụ; tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số… đều được thúc đẩy, đạt kết quả đáng ghi nhận, làm lợi hàng ngàn tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, cố gắng nhiều hơn nữa trong thực hiện CCHC để đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân, huy động được sức mạnh cho người dân. Bài học kinh nghiệm được rút ra là phải bám sát vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, vận dụng sáng tạo để xử lý các vấn đề cụ thể; phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đi đôi với đó là bố trí nguồn lực để thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương; đề cao trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu, nhất là những người trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp; chú trọng công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Xuân Nguyên