Giai đoạn 2021 - 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục lan tỏa sâu rộng, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực tham gia. Kết quả gần 3 năm qua, cả nước huy động hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, với tỷ lệ giải ngân vốn đạt cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn NTM và 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 263 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.
Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, hội nghị đề ra giải pháp trọng tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM từ nay đến năm 2025. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình đến cán bộ và nhân dân; tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP. Huy động tối đa các nguồn lực gắn với quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hồng Lâm