Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 17/7, Đoàn giám sát do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; các đồng chí UVTV Tỉnh ủy: Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Chamaléa Thị Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Xuân Phương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Huỳnh Tấn Hạnh, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Những năm qua, các chương trình MTQG trên địa bàn đã được tỉnh triển khai đồng bộ và tập trung vào các nội dung trọng tâm của chương trình, đạt được mục tiêu cơ bản theo kế hoạch đề ra. Các ngành, địa phương đã chủ động huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Chất lượng tiêu chí các xã, huyện đạt chuẩn NTM cơ bản được duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng tiêu chí. Công tác giảm nghèo được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tỉnh đã ban hành các văn bản về cơ chế, quản lý, triển khai chương trình; kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình MTQG ở cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các chuẩn nghèo; triển khai các dự án, tiểu dự án cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình. Công tác giao kế hoạch vốn các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022, năm 2023 bảo đảm đúng quy trình, quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công… Nhờ hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu của 3 chương trình MTQG đề ra, nhất là các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM đã làm cho đời sống nhân dân dần được cải thiện, các điều kiện tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng thuận lợi. Hạ tầng KT-XH vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, phục vụ yêu cầu sản xuất, dân sinh. Toàn tỉnh có 2 huyện NTM, 31 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã NTM nâng cao và 38 thôn đạt chuẩn NTM, 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,93% theo chuẩn nghèo đa chiều; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS&MN đạt 30,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn ổn định; người dân có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng nông thôn, vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội và các sở, ngành trong tỉnh đã thảo luận, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp, biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc 3 chương trình MTQG của tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các chương trình MTQG, đã làm thay đổi nhận thức và phát huy hiệu quả vai trò làm chủ của người dân trong công cuộc phát triển KT-XH, giảm nghèo và xây dựng NTM có nhiều khởi sắc. Qua khảo sát thực tế từ các địa phương trong tỉnh, đoàn công tác nhận thấy đời sống nhân dân, nhất là đồng bào DTTS&MN ngày càng được nâng cao, các khu dân cư nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn, sự chênh lệnh giữa thành thị-nông thôn-miền núi ngày càng thu hẹp cho thấy hiệu quả đem lại từ 3 chường trình MTQG là rất đáng kể. Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị UBND tỉnh phát huy kinh nghiệm và những kết quả đạt được, tiếp tục tổ chức triển khai thực 3 chương trình MTQG có hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng thế mạnh, thu hút đầu tư gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phải thường xuyên rà soát, đánh giá, đề ra giải pháp đột phá theo từng giai đoạn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, chủ động thí điểm, nhân rộng những mô hình hay, những dự án có hiệu quả, đưa việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG thực sự phát huy lợi ích trong nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.