Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để kết nối giữa nhà tuyển dụng và người LĐ. Trong đó, chủ trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố nhằm cung cấp thông tin về thị trường LĐ, học nghề và tạo cơ hội cho người LĐ được gặp gỡ trực tiếp với các DN và cơ sở đào tạo nghề. Cùng với đó, trung tâm đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường LĐ qua trang thông tin http://vieclamninhthuan.vn hoặc Fanpage và Zalo OA “Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận”, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh, thành phố phía Nam.
Chị Katơr Thị Bé, ở xã Lợi Hải (Thuận Bắc), cho biết: Thông qua hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm tổ chức trên địa bàn huyện, tôi đã nộp hồ sơ và được Công ty Cổ phần Thời trang D’Sago nhận vào làm việc. Với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng. Tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều buổi tư vấn giới thiệu việc làm được tổ chức để những LĐ nông thôn như tôi có cơ hội tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Hoạt động tư vấn XKLĐ tại Trung tâm DVVL tỉnh. Ảnh: M.Thương
Có thể nói, hoạt động “trải thảm đỏ” thu hút của tỉnh đối với các nhà đầu tư, các dự án lớn đã từng bước đem lại hiệu quả rõ rệt, nhiều DN đến đầu tư tại tỉnh đã có những bước phát triển và liên tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người LĐ. Ông Nguyễn Quyết Ba, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Natural Paradise (Công ty TNHH Thiên đường thiên nhiên Ninh Thuận) cho biết: Khi tuyển dụng LĐ làm việc, công ty luôn ưu tiên LĐ là người địa phương. Chính môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển đã góp phần thúc đẩy hoạt động, sản xuất của các DN trên địa bàn phát triển. Từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho LĐ địa phương.
Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, công tác tuyên truyền cũng được tăng cường, tạo điều kiện cho các DN uy tín đến tuyển dụng LĐ đi làm việc. Cùng với đó, các địa phương còn tạo điều kiện về nguồn vốn vay, các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ. Đồng chí Võ Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Lợi Hải (Thuận Bắc) cho biết: Xác định công tác giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nên xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc học nghề, sự khác nhau giữa LĐ tự do và LĐ được trang bị kiến thức nghề nghiệp. Xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề ngắn ngày, phối hợp với các đơn vị, DN tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệc việc làm cho người LĐ. Nhờ đó, đến nay, trong số 7.000 người trong độ tuổi LĐ ở địa phương đã có trên trên 6.400 người có việc làm thường xuyên.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.943 LĐ, đạt 62,14% kế hoạch năm. Trong đó, LĐ làm việc trong tỉnh là 4.818 người; LĐ đi làm việc ngoài tỉnh là 5.050 người và 75 LĐ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Những kết quả đáng mừng trên đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tạo việc làm mới trong 6 tháng còn lại của năm 2023.
Đồng chí Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để công tác giải quyết việc làm cho người LĐ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, các ngành, các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu của người LĐ, tăng cường công tác tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho LĐ trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ LĐ tham gia thị trường LĐ; đổi mới công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các giải pháp đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các DN trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Minh Thương