Đáng chú ý trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 0,98%; tiếp đến nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,66%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,47%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,20%; nhóm giao thông tăng 0,08%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%. Các nhóm còn lại giữ giá ổn định và không có nhóm giảm giá. Kết quả trên đã tác động làm CPI chung quý II/2023 tăng 4,03% và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,12% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
Chợ đêm du lịch Ninh Thuận thu hút đông du khách tham quan, mua sắm. Ảnh: Mỹ Dung
Phân tích của Cục Thống kê cho thấy, nguyên nhân làm chỉ số giá 6 tháng đầu năm tăng, thứ nhất là do trong 6 tháng qua giá nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao 11,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá điện được điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân tăng 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 4/5/2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Mặt khác, do thời tiết nắng nóng nên mức tiêu thụ điện của hộ dân tăng làm giá điện trong 6 tháng đầu năm tăng. Bên cạnh đó, một số nguyên vật liệu xây dựng trong 5 tháng đầu tăng, tác động làm CPI chung tăng 1,42 điểm phần trăm.
Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm giá mặt hàng lương thực tăng 9,30%, trong đó giá gạo các loại tăng 10,04% so với bình quân cùng kỳ và tăng 5,84% so với tháng 12 năm 2022. Thị trường lúa gạo 6 tháng đầu năm 2023 nhìn chung nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi, hiện nay những nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Philippines, châu Phi, châu Âu... vẫn tiếp tục tăng mạnh với giá cao, đẩy giá gạo địa phương tăng, tác động làm CPI mặt hàng lương thực tăng 0,40 điểm phần trăm. Giá thực phẩm tăng 4,25%, làm CPI tăng 1,04 điểm phần trăm, trong đó mặt hàng thịt gia cầm tăng mạnh 5,17%; thịt gia súc tăng 1,78% do giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí tăng.
Đối với hoạt động thương mại và dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng tăng, hàng hóa dồi dào, du lịch thu hút nhiều khách, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 18.700,5 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt mức 14.417,2 tỷ đồng, chiếm 77,10% và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đáng mừng là trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu du lịch đến Ninh Thuận tăng cao, nhất là vào các dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2023, số lượt khách đến nghỉ dưỡng tăng cao, công suất phòng tại một số khách sạn, resort đạt từ 40-95%. Đặc biệt, trong tháng 6/2023, tỉnh ta tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang năm 2023. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn của tỉnh. Lễ hội với nhiều hoạt động diễn ra tại nhiều huyện, thành phố trong tỉnh, đã thu hút đông khách tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần làm doanh thu hoạt động nhà hàng trong 6 tháng đầu năm tăng 24,33%; lưu trú tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ 2022, đưa doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 6 tháng đạt 2.714,9 tỷ đồng, chiếm 14,52% và tăng 37,9%. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, do giá nhập khẩu các loại đồ uống và thuốc lá tăng ở mức 5,13%, góp phần lầm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Riêng dịch vụ giao thông công cộng chỉ số giá tăng 22,52%, tác động làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm.
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 49,4 triệu USD, giảm 16,3% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Thủy sản ước đạt 31,3 triệu USD, giảm 26,8% do cạnh tranh mạnh với tôm của Ecuador và Ấn Độ. Sản phẩm may mặc ước đạt 9,6 triệu USD, giảm 4%. Nhân hạt điều ước đạt 6,9 triệu USD, tăng 49,4% do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2023 là phát sinh mặt hàng xuất khẩu mới là thú nhồi bông của công ty Inniflow, kim ngạch đạt 2,4 triệu USD với một số thị trường như: Anh, Mỹ, Hong Kong, Úc, Hàn Quốc... Đối với nhập khẩu, kim ngạch 6 tháng đạt 29,7 triệu USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng của các dự án điện giảm.
Linh Giang