Toàn tỉnh hiện có trên 1.052 ha nho, tập trung trồng nhiều ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, với các giống nho chủ yếu như: Nho đỏ (Red Cardinal), nho xanh NH01-48, NH01-152, NH04-102, nho rượu (Shiraz); trong đó, giống nho đỏ chiếm 63,36% diện tích, năng suất đạt gần 2,6, tấn/ha/vụ, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 - 28.000 tấn nho. Cùng với đó, thời gian gần đây còn bổ sung thêm một số giống nho mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, đang trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi để nhân rộng như nho NH01-212, NH04-195, NH04-102. Với xu thế tiêu dùng ngày càng cao của thị trường, bên cạnh cung cấp sản phẩm nho tươi, từ sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều cơ sở, hợp tác xã (HTX), nông hộ đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm cải tiến quy trình sản xuất cho ra các sản phẩm chất lượng như nho sấy dẻo, nho sấy khô, siro nho, rượu vang nho, nước ép nho.
Sản phẩm chế biến từ nho trưng bày tại Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận năm 2023. Ảnh: V.M
Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp, trên 10 cơ sở và 200 hộ dân tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm từ nho như: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi, HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận, Công ty TNHH Nho Mỹ Hòa, cơ sở thực phẩm Viết Nghi… Các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 75.000 - 80.000 lít siro nho, rượu vang nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô, nước ép nho và khoảng 8-10 tấn ô mai nho. Tiêu biểu trong việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ quả nho, từ nguồn kinh phí khuyến công Trung ương, Cơ sở sản xuất rượu vang nho Thiên Thảo được hỗ trợ đầu tư dây sản xuất tiên tiến, mỗi năm cho ra khoảng 3.400 lít rượu nho, 3.200 lít vang nho và 3.400 lít siro nho; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận được hỗ trợ lắp đặt dây chuyền sấy nông sản và hệ thống xử lý bảo quản nho theo công nghệ khí điều biến đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… Đến nay, toàn tỉnh có 25 hệ thống sấy nho, 3 dây chuyền xử lý, bảo quản nho; đặc biệt, một số loại sản phẩm chế biến từ nho được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến.
Song song đó, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nho cũng được quan tâm, chú trọng. Hằng năm, ngành Công Thương đều tổ chức các đợt quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; duy trì công tác giao thương, quảng bá tại các tỉnh, thành phố lớn, thị trường quan trọng và đầy tiềm năng như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Cùng với đó, triển khai hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trên sàn Sendo, sàn Postmart, sàn Voso; hệ thống Email, Fanpage trên Facebook, Landing page... Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), chia sẻ: Ngoài trồng 20 ha nho NH01-152, HTX còn chế biến các sản phẩm như mật nho, rượu nho, nho sấy. Nhờ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến.
Theo đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, các nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường cho sản phẩm nho thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, kiểm soát tốt chất lượng đã giúp sản phẩm nho của tỉnh tăng độ phủ khắp thị trường trong nước. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị, hộ sản xuất, chế biến nho cải tiến máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm từ nho trong thời gian tới.
Hồng Lâm