Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết số 115 về xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 25/1/2022 xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó thể hiện quyết tâm chính trị, thực hiện quyết liệt phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra, khai thác phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển NLTT, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phục vụ lưới điện và các ngành phụ trợ đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước.
Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tổng công suất điện tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (gồm: Điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh. Cơ bản thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước. Ngành năng lượng, NLTT đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh. Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng Quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu hình thành 1 trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ NLTT; thu hút 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng.
Các kỹ sư vận hành Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn. Ảnh: A.Tuấn
Để hoàn thành mục tiêu trên, nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao trách nhiệm, nhận thức về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước. Tập trung xây dựng, hoàn thiện và quản lý, triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách. Xây dựng mô hình phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước; cụ thể là tập trung phát triển cấu trúc, mô hình trung tâm năng lượng, NLTT gồm 2 phần. Trong đó, phần cứng gồm 3 mô đun: Mô đun I là trung tâm điện lực LNG Cà Ná; Mô đun II là trung tâm NLTT Ninh Thuận; Mô đun III là trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng. Tăng cường thu hút, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ.
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt các điều kiện về phát triển NLTT ổn định, bền vững, lâu dài đòi hỏi cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng. Bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển NLTT được chính sách ưu đãi về đầu tư như là vốn, thuế và đất đai, các cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện. Đối với việc phát triển năng lượng trong quy hoạch của địa phương, tỉnh sẽ tiến hành rà soát các dự án phát điện đang đầu tư, thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển NLTT theo quy định. Trong đó thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư tại những địa bàn có điều kiện thuận lợi, phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn hệ thống điện. Tạo điều kiện hỗ trợ giải phóng mặt bằng để ngành điện thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả; từng bước xây dựng hệ thống lưới điện thông minh có khả năng kết nối khu vực, đảm bảo cung cấp điện đối với vùng phụ tải. Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư các dự án NLTT trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đôn đốc các dự án NLTT đã được các cấp quyết định chủ trương đầu tư phê duyệt bổ sung vào quy hoạch sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành phát điện sau khi Quy hoạch điện VIII được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Nhằm đảm bảo an toàn lưới điện, đủ khả năng giải tỏa hết công suất, sản lượng điện tại địa phương, tỉnh kiến nghị các cấp bộ, ngành trung ương bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh theo tiến độ các quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhất là các công trình đường dây 500 kV, 220 kV, 110 KV đã được các cấp phê duyệt bổ sung quy hoạch. Điển hình các công trình trọng điểm liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Tuyến đường dây mạch kép 500 kV Thuận Nam - Chơn Thành, tuyến đường dây 220 kV Ninh Phước đến 500 kV Thuận Nam, tuyến đường dây mạch 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng thủy điện tích năng Bác Ái. Đối với các dự án điện gió, mặt trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch, chủ đầu tư đã triển khai hoàn thành đầu tư, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận ngày vận hành thương mại, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đàm phán được giá bán điện do cơ chế giá mua điện đã hết hiệu lực. Do đó tỉnh đề nghị Bộ Công Thương xem xét hướng dẫn tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và nghiên cứu hướng dẫn bàn giao Trạm biến áp 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với giá 0 đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành, quản lý. Bởi hiện nay chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đang phải chịu chi phí quản lý vận hành truyền tải cho hệ thống này.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều thời gian chờ đợi, chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió và điện mặt trời vẫn chưa có. Điều cấp thiết lúc này là sớm có cơ chế giá mới cho điện gió, điện mặt trời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Ninh Thuận là địa phương có nhiều thế mạnh, khả năng thu hút đầu tư để xây dựng thành công trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý - đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng. Và quan trọng hơn hết là sự phát triển này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Anh Tuấn