Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo, cơ hội và thách thức

Bài 1: Tiềm năng và cơ hội đột phá từ năng lượng tái tạo

Nghị quyết số 20 NQ/TU ngày 25/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực NLTT mà tỉnh có thế mạnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên thực tế triển khai nghị quyết đã gặp rất nhiều khó khăn, nếu không kịp thời tháo gỡ rào cản về chủ trương, chính sách thì nghị quyết thực sự khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Là địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển NLTT, Ninh Thuận đã thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án năng lượng và xem đây là một trong những ngành trụ cột ưu tiên phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch của cả nước.

Giàu tiềm năng, lợi thế

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng, dư địa để thu hút đầu tư, phát triển nhiều dự án NLTT để trở thành trung tâm NLTT của cả nước. Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế rất lớn về phát triển NLTT, bởi tốc độ gió trung bình đạt 7,5 m/s (lớn hơn so với cả nước) lượng gió thổi đều trong 10 tháng. Lượng bức xạ mặt trời trong năm cao, ổn định qua các mùa trong năm, tổng số giờ nắng cao nhất cả nước từ 2.500-3.100 giờ/năm. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển hiệu quả các dự án điện gió (ĐG), điện mặt trời (ĐMT) trên địa bàn tỉnh. Về hạ tầng Ninh Thuận có cảng biển tổng hợp Cà Ná khả năng xây dựng cảng nước sâu tiếp nhận tàu LNG thương mại lên đến 250.000 tấn, thuận lợi trong kết nối giao thông và việc bố trí, xử lý, giải phóng kỹ thuật, chuyển hóa nguồn khí hóa lỏng đạt hiệu suất tối ưu, hiệu quả kinh tế cao, tạo cho Ninh Thuận trở thành địa điểm phát triển năng lượng, NLTT tốt nhất ở khu vực phía Nam.

Dự án Tổ hợp năng lượng tái tạo BIM (xã Phước Minh, Thuận Nam) đã tận dụng diện tích đồng muối 2.500 ha để kết hợp sản xuất NLTT theo hướng bền vững, tối ưu hóa yếu tố đặc thù của địa phương nhiều nắng, gió và tài nguyên đất.

Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, hiện nay tỉnh đã lập đầy đủ các quy hoạch phát triển nguồn NLTT đến năm 2030 như: ĐG trên đất liền phát triển khoảng 1.429 MW; ĐG ven biển khoảng 4.380 MW, ĐG ngoài khơi khoảng 2.000 MW và ĐMT khoảng 8.448 MW. Ngoài ra, Ninh Thuận còn có các dự án và tiềm năng, lợi thế phát triển các nguồn điện khác như: Điện khí LNG 6.000 MW, thủy điện tích năng khoảng 3.600 MW, điện hạt nhân 4.600 MW và các tiềm năng nguồn năng lượng khác về thủy điện và năng lượng sinh khối... Đến nay, tỉnh cũng đã lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố đến năm 2030; trong đó bố trí quỹ đất cho phát triển các dự án NLTT với tổng diện tích trên 8.146 ha; tỉnh cũng đã lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có định hướng danh mục phát triển các dự án NLTT, hiện đang trình trung ương phê duyệt để có cơ sở thực hiện trong thời gian tới.

Đột phá từ năng lượng tái tạo

Phát huy lợi thế của địa phương có nhiều nắng và gió nhất cả nước, Ninh Thuận đã biến những bất lợi trở thành lợi thế phát triển, đó là chọn lĩnh vực NLTT là một trong những ngành trụ cột cho phát triển kinh tế, tạo đột phá hết sức mạnh mẽ trong tăng trưởng, trở thành địa phương có sản lượng NLTT lớn nhất cả nước với 31 dự án ĐMT công suất 2.618,49 MWp (2.094,792 MW) và 10 dự án ĐG tổng công suất 574,25 MW đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, còn có một số dự án khác cũng đang trong quá trình đầu tư, có dự án đã hoàn thành chờ được nối lưới vận hành thương mại.

Theo Sở Công Thương, các dự án NLTT hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành thương mại đã khai thác tối ưu công suất, tạo ra sản lượng đóng góp vào lưới điện quốc gia. Chỉ tính riêng năm 2021, sản lượng điện đạt trên 6.300 triệu kWh, tạo giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng, tăng 59,8%, đóng góp 6,84% tăng trưởng GRDP của tỉnh. Các dự án NLTT đã nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất đối với diện tích đất khô cằn, hoang hóa, không phát triển được nông nghiệp. Trước đây, đối với các vùng đất này giá trị sản xuất hằng năm chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/ha, nhưng khi chuyển sang sản xuất ĐMT cho giá trị đạt gần 3,84 tỷ đồng/ha.

NLTT đã thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong ảnh: Kiểm tra, vận hành hệ thống nhà máy NLTT tại dự án Trung Nam.

Đơn cử như dự án Tổ hợp NLTT BIM đã tận dụng diện tích cánh đồng muối rộng trên 2.500 ha tại dự án muối Quán Thẻ, xã Phước Minh (Thuận Nam). Tận dụng những diện tích đất không thể khai thác muối, Công ty BIM Energy, thuộc tập đoàn BIM đã đầu tư đưa vào vận hành cụm 3 nhà máy ĐMT với hơn 1 triệu tấm pin, sản xuất hơn 668 triệu kW điện mỗi năm, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Tiếp đó, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy ĐG công suất 88 MW, tạo tổ hợp kinh tế xanh NLTT kết hợp sản xuất muối. Ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BIM, Tổng Giám đốc BIM Energy khẳng định, đây là mô hình điển hình cho phương thức đầu tư ngành NLTT theo hướng bền vững nhằm tối ưu hóa yếu tố đặc thù của địa phương nhiều nắng, gió và tài nguyên đất, tạo ra giá trị, hiệu quả sản xuất tối ưu; hằng năm nộp ngân sách nhà nước khoảng 270 tỷ đồng và giảm thiểu 600.000 tấn carbon. Đây cũng là sự khẳng định tiềm năng của lĩnh vực NLTT và đầu tư theo định hướng bền vững tại Ninh Thuận.

Phát triển NLTT đã góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, dịch vụ môi trường, tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Theo thống kê năm 2021 ngành NLTT đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động, chiếm 2,3% lao động đang làm việc trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua. Ngành NLTT đã tạo động lực lan tỏa để phát triển các ngành khác như công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ hạ tầng, giao thông nông thôn, bất động sản. Qua đó khẳng định hướng đi đúng đắn về phát triển NLTT tại vùng đất đầy nắng và gió Ninh Thuận.

------------
Bài 2: Nhiều “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển năng lượng tái tạo.