Văn bản nêu: Để đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai và ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để vận dụng, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (đến hết Quý II phải đạt trên 30%; hết Quý III phải đạt 60% và đến cuối năm phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao nhằm đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện đạt mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra của năm 2023 và giai đoạn 2021- 2025). Tuy nhiên, qua kết quả giải ngân thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết ngày 31/5/2023 (theo báo cáo của Sở Tài chính tại văn bản số 2047/STC-NS ngày 02/6/2023), tỷ lệ giải ngân còn khá thấp, hầu hết không đạt như đã cam kết và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 10/5/2023, công văn số 1901/UBND-KTTH ngày 15/5/2023, Thông báo số 127/TB-VPUB ngày 19/4/2023,
Để đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2023 và giai đoạn 2021-2025; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm:
a) Khẩn trương tổ chức, triển khai nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 10/5/2023 về đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế tại hiện trường dự án và tại địa phương thực hiện các chương trình để đảm bảo nắm bắt và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để góp phần giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Văn Nỷ
Tăng cường kiểm tra, xử lý vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn được giao, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc.
Người đứng đầu cơ quan, địa phương phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm đầu tiên, toàn diện trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả giải ngân của cơ quan, địa phương mình.
2. Đối với các cơ quan thường trực từng Chương trình mục tiêu quốc gia (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Dân tộc tỉnh) chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và báo cáo hình hình thực hiện kế hoạch vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia theo định kỳ và khi có yêu cầu của các cấp trong chỉ đạo điều hành.
NT