Là một trong 3 cơ sở dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng và giáo dục hướng nghiệp cho TKT tại tỉnh ta, hơn 12 năm qua, Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai trở thành “địa chỉ tin cậy” giúp học sinh (HS) khuyết tật trên địa bàn tỉnh có cơ hội đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai chia sẻ: Trường hiện có 8 cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên đảm nhận nuôi dạy 58 TKT từ 4-9 tuổi. Để thuận tiện trong công tác giảng dạy, nhà trường chia thành 2 nhóm HS dựa trên trình độ, dạng khuyết tật gồm nhóm bị khiếm thính và nhóm chậm phát triển mắc các chứng down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, tăng động... Với nhiều dạng tật và lứa tuổi khác nhau, nên các em được học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh lớp khiếm thính Trường giáo dục chuyên biệt Tương Lai biểu diễn văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, vào đầu mỗi năm học, nhà trường phân công GV kiểm tra trình độ, lên kế hoạch giảng dạy, đặt ra yêu cầu, mục tiêu rèn luyện riêng cho từng HS. Trong các tiết dạy GV đều sử dụng những trang thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tiếp thu tốt hơn. Cùng với đó, GV lồng ghép các kỹ năng gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày, giúp HS tăng khả năng tự chăm sóc bản thân khi cần thiết... Đối với trẻ khiếm thính, nhà trường đầu tư 1 phòng cách âm để dạy cho các em nghe và nói, kết hợp dạy ngôn ngữ khẩu hình, hội thoại, giảm đi ngôn ngữ dấu. Với lớp chậm phát triển, các em học 4 kỹ năng: Tự lực, giao tiếp, vận động, văn hóa; trong đó, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng “tự lực”, “giao tiếp” giúp các em hòa đồng, có khả năng tự phục vụ bản thân. Nhằm hướng các em đến sự phát triển toàn diện, ngoài thời gian học văn hóa, nhà trường còn chú trọng bồi dưỡng các môn năng khiếu bổ trợ như: Đánh đàn, đánh trống, múa... Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh giúp các em có cơ hội được thể hiện bản thân. Nhờ sự chăm sóc, giảng dạy chu đáo của đội ngũ GV, sau một thời gian, đa số các em đã hình thành được kỹ năng tự phục vụ, tự biết vệ sinh cá nhân, ăn uống cũng như vệ sinh trường lớp, biết giữ gìn và bảo quản sách vở, đồ dùng học tập của mình. Đơn cử như em Minh Ngọc, lớp Sơn Ca từ đứa trẻ phát triển không bình thường đến nay em biết phụ giúp các cô giáo lau nhà, chia cơm... Giáo dục hòa nhập tạo cơ hội cho TKT được đến trường, được tiếp cận nền giáo dục bình đẳng mà không phân biệt thể chất, trí tuệ, cảm xúc hay ngôn ngữ.
Thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng, ngoài việc tiếp cận giáo dục, TKT còn được quan tâm bằng nhiều chính sách, hoạt động thiết thực. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 TKT, đến nay 100% trẻ được hưởng chính sách trợ cấp xã hội; được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Các em thường xuyên tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm và giúp TKT tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phục hồi chức năng. Để giúp đỡ, bảo vệ, chăm sóc TKT, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) công tác xã hội ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh phát triển 46 CTV nhằm đánh giá các vấn đề liên quan đến TKT như: Trợ giúp TKT tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; chi trả các chế độ bảo đảm đúng thời gian, đúng chế độ. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai tập huấn và cung cấp kiến thức, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ TKT cho cán bộ làm công tác trẻ em. Đồng thời, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, Ngày Người khuyết tật (18/4), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) cho TKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các em có thêm ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết: Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung, TKT nói riêng là việc làm ý nghĩa nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. TKT là đối tượng được ngành LĐ-TB&XH dành sự quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, ngành thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức của xã hội về quyền trẻ em, đồng thời, tích cực vận động các cấp, các ngành chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là đối tượng TKT.
Sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội là động lực giúp TKT cùng gia đình vơi đi mặc cảm, vượt qua khó khăn để trở thành những công dân có ích, tự vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.
Mỹ Dung