Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”

Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 13 chi nhánh ngân hàng (gồm 12 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội), 3 tổ chức tín dụng và hơn 4.000 doanh nghiệp (DN). Trong đó, có 60 DN đang hoạt động có đăng ký ngành, nghề kinh doanh “Hoạt động cấp tín dụng khác”, có cả dịch vụ cầm đồ. Nhu cầu vay vốn của DN, cá nhân ngày càng nhiều, tuy nhiên một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được yêu cầu vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống nên tìm đến “tín dụng đen” vay không cần thế chấp, thủ tục vay nhanh gọn, đây là điều kiện để tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” phát triển.

Trước tình hình trên, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và lực lượng Công an tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền, địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, hậu quả và những hệ lụy của “tín dụng đen” và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số liệu đánh giá của UBND tỉnh cho thấy, trong 4 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã đấu tranh, triệt phá 34 vụ/54 đối tượng (trong đó 28 đối tượng ngoài tỉnh) có hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cụ thể, về xử lý hình sự đã ban hành quyết định khởi tố 7 vụ/13 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; về xử lý hành chính đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 24 vụ/37 đối tượng, với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng về các hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) nhưng cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự; hủy hoại tài sản của người khác. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh 3 vụ/4 đối tượng có liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh tiếp tục có diễn biến phức tạp. Số đối tượng là người ngoài tỉnh đến địa phương để hoạt động cho vay lãi nặng sẽ có chiều hướng gia tăng, sử dụng phương thức, thủ đoạn mới đối phó với các cơ quan chức năng. Số đối tượng là người địa phương hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra ở một số địa bàn các huyện, thành phố và vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số,... tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến ANTT cần được quan tâm, giải quyết.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tỉnh đề ra 8 nhóm nhiệm vụ để chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 2467/KH-UBND ngày 13/6/2019, gắn với việc thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm ANTT trong tình hình mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng.

Cùng với đó cần đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn mới và tác hại của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để người dân biết phòng ngừa; đồng thời tăng cường công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là số đối tượng, băng nhóm hoạt động với phương thức, thủ đoạn mới như: Cho vay trực tuyến, vay qua App, cho vay ngang hàng... Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực được phân công, chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT, các công ty kinh doanh tài chính trên địa bàn tỉnh. Chủ động, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; kịp thời phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm và xử lý nghiêm theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung.

Đối với các đơn vị: Công an tỉnh chủ động rà soát, phát hiện, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, quản lý đối tượng, nhất là số đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có biểu hiện sử dụng đối tượng côn đồ, có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, nhóm thanh thiếu niên hư để tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê... Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, nhất là chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,… với các thủ tục đơn giản hơn, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư ở nông thôn, hỗ trợ tích cực công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong quá trình cho vay và cung ứng dịch vụ khác tại khu vực nông thôn. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát chặt chẽ việc cấp đăng ký DN và đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động cấp tín dụng khác” theo quy định của pháp luật. Phối hợp với lực lượng công an trong việc cung cấp các thông tin DN để phục vụ công tác quản lý, phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen”. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp giám sát, ngăn ngừa các hoạt động của đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức,... tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ có liên quan đến “tín dụng đen”, nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.