Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2023: Bổ sung vi chất, nâng cao tầm vóc người Việt

Vi chất dinh dưỡng (VCDD) rất cần cho sự sống. Nếu thiếu chúng, cơ thể có thể bị chậm phát triển, phát sinh bệnh tật, nếu thiếu quá nhiều còn có thể gây tử vong. Ngày VCDD tại Việt Nam được triển khai hằng năm trong hai ngày 1 và 2/6 với các hoạt động thường niên mang tính huy động xã hội lớn, nhằm thay đổi nhận thức và thực hành của mỗi gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng cũng như cách phòng, chống các bệnh do thiếu VCDD.

Vai trò quan trọng của vi chất với sự sống

Vi chất là các chất dinh dưỡng không sinh ra năng lượng, bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (can xi, phốt pho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...), tổng có khoảng 30 vitamin và khoáng chất. Cơ thể không tự tổng hợp được chúng nên phải cung cấp từ thức ăn. Lượng vi chất mà cơ thể cần rất nhỏ (dưới 1 mg/ngày) nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng với sự sống, bởi chúng tham gia vào các quá trình sinh học, chuyển hóa trong cơ thể.

Tình trạng thiếu VCDD được gọi là "nạn đói tiềm ẩn" vì không gây cảm giác đói khát, cơ thể khó nhận biết nhưng hậu quả rất lớn, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Cụ thể, sắt giúp não bộ phát triển và tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu sắt trẻ sẽ biếng ăn, giảm chỉ số thông minh, làm giảm khả năng lao động, học tập và tăng bệnh tật ở người lớn. Kẽm là một nhân tố quan trọng trong hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch, thiếu kẽm trẻ kém phát triển chiều cao, biếng ăn, dễ bị nhiễm khuẩn. Trong khi đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của mắt và da. Trẻ thiếu vitamin A sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, mắt nhìn kém, phụ nữ thiếu vitamin A có nguy cơ đẻ con thiếu tháng, sinh con nhẹ cân...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 30% phụ nữ, 40% trẻ em toàn cầu bị thiếu máu - thiếu sắt. Tỷ lệ này ở trẻ em các nước châu Phi cao hơn nhiều, ở mức trên 60%. Tình trạng thiếu vitamin A, sắt và kẽm khá phổ biến ở các nước nghèo, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2019-2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Đặc biệt, trẻ thiếu sắt thường đi đôi thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng (thiếu hụt nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%. Thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi đang ở mức 19,6%, phụ nữ có thai là 25,6%. Thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 63,5% và 58% ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Bổ sung vi chất, nâng cao tầm vóc người Việt

Dinh dưỡng cân đối là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và tình trạng thiếu vi chất đáng quan tâm tại Việt Nam trong những năm qua buộc chúng ta phải có hành động quyết liệt để khắc phục. Với quan điểm đó, Bộ Y tế đã xây dựng Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai giảm xuống dưới 23%; thiếu vitamin A tiền lâm sàng (thiếu hụt nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở mức dưới 8%, thiếu kẽm huyết thanh ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 50%, tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi thêm từ 2-2,5 cm so với hiện nay.

Hằng năm, Bộ cũng triển khai Ngày VCDD và năm 2023, chủ đề được chọn là: “VCDD rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể”, nhằm thay đổi nhận thức và thực hành của mỗi gia đình, cộng đồng về tầm quan trọng và cách phòng, chống các bệnh do thiếu VCDD.

Những cố gắng nỗ lực của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2005, Việt Nam đã đạt mục tiêu phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt khi hơn 90% hộ gia đình đã sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Tuy nhiên sau vài năm, tỷ lệ này đã suy giảm, và việc duy trì kết quả, nhất là tại các địa phương có độ bao phủ muối i-ốt thấp hiện vẫn là thách thức lớn.

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A từ chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ em trong độ tuổi từ 6-54 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt vào tháng 6 và tháng 12). Các chiến dịch này đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu vitamin A vào năm 2000, đó là một thành tựu hết sức to lớn.

Phòng chống thiếu vi chất từ bữa ăn mỗi ngày

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để phòng, chống thiếu VCDD, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm VCDD (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất...); giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường VCDD, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn. Mỗi người, mỗi gia đình cần chủ động đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu VCDD và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Bộ Y tế khuyến cáo 6 nguyên tắc phòng, chống thiếu VCDD như sau:

1. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường VCDD.

2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

3. Sử dụng các thực phẩm giàu VCDD sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hằng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A 2 lần/năm.

5. Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng, chống nhiễm giun, sán.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Theo TTXVN