Đầu tư vào năng lượng sạch năm 2023 dự kiến tăng 24%
IEA nêu rõ một ví dụ điển hình minh chứng cho việc đầu tư vào năng lượng sạch (còn được gọi là năng lượng tái tạo) vượt nhiên liệu hóa thạch là đầu tư vào điện mặt trời có thể sẽ lần đầu tiên vượt đầu tư vào sản xuất dầu mỏ. Theo dự báo của IEA, đầu tư vào điện mặt trời, chủ yếu là các tấm quang điện, sẽ đạt 380 tỷ USD trong năm 2023 trong khi đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu mỏ sẽ là 370 tỷ USD.
IEA nhấn mạnh đầu tư vào năng lượng sạch năm 2023 dự kiến tăng 24% so với năm 2021 lên hơn 1.700 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch tăng 15% cùng giai đoạn trên.
Nhà máy điện mặt trời tại thành phố Munich, Đức.
Mặc dù có sự tiến triển trong đầu tư vào năng lượng sạch nhưng IEA cảnh báo đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn đang tăng lên trong khi lẽ ra phải giảm nhanh để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ước tính tổng mức đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch năm 2023 sẽ nhiều hơn gấp đôi con số mà lĩnh vực này lẽ ra được chi vào năm 2030. Trong đó, mức đầu tư vào than đá nhiều gấp 6 lần.
Dự kiến tổng đầu tư vào năng lượng trên toàn cầu trong năm 2023 là khoảng 2.800 tỷ USD, trong đó hơn 1.700 tỷ USD sẽ dành cho năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, xe điện và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Phần còn lại, khoảng 1.000 tỷ USD, sẽ đầu tư vào dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá. Cũng theo IEA, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Uớc tính, công suất điện gió và điện mặt trời sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.
Theo đánh giá của hãng tin Reuters, năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu khi cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bước sang năm 2023, các quốc gia trên thế giới sẽ đi đầu trong xu hướng giảm phụ thuộc nguồn năng lượng và tự chủ hơn trong năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo đã nổi lên như một trong những giải pháp kịp thời nhất cho những thách thức này.
Giải pháp thay thế là cấp thiết
Năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo được tạo ra từ các nguồn thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên nào đó được hình thành liên tục. Có thể kể ra một số dạng năng lượng sạch điển hình như: năng lượng mặt trời (khai thác thông qua các tấm pin mặt trời để chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng), phong điện (sử dụng tuabin gió mà động năng từ gió được chuyển đổi thành dạng năng lượng cơ học), thủy điện (năng lượng điện được tạo ra bởi dòng nước chảy qua tuabin để cung cấp năng lượng cho máy phát điện), năng lượng sinh khối (từ vật liệu hữu cơ có nguồn gốc từ động thực vật; bao gồm cây trồng, gỗ thải và cây cối. Khi sinh khối bị đốt cháy, năng lượng được giải phóng dưới dạng nhiệt và có thể tạo ra điện bằng tuabin hơi nước), năng lượng địa nhiệt (được tách ra từ nhiệt trong tâm của Trái Đất)…
Nhiên liệu hóa thạch là loại nhiên liệu chứa hàm lượng cacbon và hydrocacbon cao, được tạo thành bởi quá trình phân hủy kỵ khí của những loài sinh vật chết và bị chôn vùi cách đây khoảng hơn 300 triệu năm. Than đá (hình thành từ xác thực vật), dầu mỏ (từ các sinh vật phù du bị chôn vùi qua hàng thiên niên kỷ dưới sự tác động của dòng nhiệt dữ dội cùng áp suất cao từ sâu bên trong lòng đất), khí đốt tự nhiên (hình thành bởi các sinh vật phù du bị chôn vùi sâu trong lòng đất chịu sự tác động của dòng nhiệt độ cùng áp suất cao hơn so với dầu mỏ), dầu đá phiến (hình thành từ những bãi cát với kích thước bằng đất sét và chứa các phần nhỏ chất hữu cơ)… là các dạng của nhiên liệu hóa thạch.
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa năng lượng tái tạo với nhiên liệu hóa thạch là chúng có thể tồn tại trong bao lâu. Năng lượng tái tạo có thể sử dụng hết lần này đến lần khác mà không lo sợ đến vấn đề cạn kiệt bởi nguồn năng lượng này được khai thác từ các quá trình tự nhiên vô tận. Trong khi đó, nhiên liệu hóa thạch lại được bổ sung cách tự nhiên theo thời gian nhưng đòi hỏi phát mất đến hàng triệu năm. Ngoài ra, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn mang lại nhiều tác hại: giảm đáng kể nguồn oxy (quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch cũng làm tiêu tốn một lượng oxy để duy trì sự cháy và thải ra khí CO2), làm ô nhiễm không khí (việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ tạo ra các axit điển hình như cacbonic, sunfuric và nitric…, tạo thành những trận mưa axit, ảnh hưởng lớn đến các vùng tự nhiên và hủy hoại môi trường), gây ô nhiễm nguồn nước (do khai thác dầu tại môi trường biển)… Đó chính là lý do thế giới cần một giải pháp thay thế nguyên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo.
Theo TTXVN