Hiệp định RCEP: Nền tảng hợp tác then chốt giữa bất ổn toàn cầu

Trang tin East Asia Forum tuần qua đăng bài viết cho rằng khi thương mại toàn cầu bắt đầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020.

Mất 8 năm đàm phán để hoàn tất, sáng kiến RCEP lần đầu tiên được đưa ra khi Indonesia làm Chủ tịch ASEAN năm 2011, nhằm củng cố các hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN+1 hiện có để tăng cường và mở rộng chuỗi giá trị khu vực.

Khái niệm cơ bản của RCEP đã được lãnh đạo 16 quốc gia thông qua vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng 3/2013 tại Brunei Darussalam, nơi các nhà đàm phán đặt ra nhiều câu hỏi hơn về cách biến khái niệm RCEP thành một hiệp định thương mại hiệu quả.

Thông điệp chính được truyền tải tới các quốc gia ngoài ASEAN là RCEP không chỉ đơn thuần về khả năng tiếp cận thị trường. Hiệp định này còn đóng vai trò là nền tảng để các quốc gia lân cận ASEAN tăng cường hợp tác khu vực, đồng thời làm sâu sắc và mở rộng các chuỗi giá trị khu vực đã tồn tại trong các FTA ASEAN+1, góp phần vào sự tiến bộ kinh tế của từng đối tác cũng như khu vực.

Sau khi trải qua quá trình phê chuẩn với từng quốc gia tham gia, RCEP cuối cùng đã có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, 28% thương mại toàn cầu và 32% dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu, RCEP đã nỗ lực mang lại lợi ích đáng kể cho tất cả các bên thông qua việc tăng cường thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa thương mại và hợp tác giữa các thành viên.

RCEP đã có hiệu lực được hơn 2 năm, nhưng dữ liệu hiện có cho thấy việc sử dụng ưu đãi theo Hiệp định- đặc biệt là về thương mại hàng hóa- vẫn thấp hơn nhiều so với dự kiến. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là những nước hưởng lợi chính. Tuy nhiên, không nên ngạc nhiên về điều này. RCEP được ký kết trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động tiêu cực đến các quốc gia khác, bao gồm hầu hết các thành viên RCEP.

RCEP được thực hiện nhờ các cuộc đàm phán được tiến hành theo “cách thức của ASEAN” - đồng thuận, linh hoạt và đôi khi rất chậm. Phong cách đàm phán này cần được các thành viên áp dụng như một chiến lược ngoại giao thương mại khi cố gắng xây dựng sự hợp tác và phối hợp giữa RCEP và các nhóm kinh tế khác như Liên minh châu Âu (EU), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada. “Phương thức ASEAN” có thể giúp đạt được thỏa thuận khi có sự đồng thuận và linh hoạt, nhưng lại tiến triển chậm và thận trọng khi giải quyết các vấn đề gây tranh cãi.

Tất cả các nước RCEP hiện đều có kinh nghiệm đàm phán các vấn đề phức tạp khác thường. Kinh nghiệm này có thể được áp dụng khi họ bắt tay vào ngoại giao thương mại toàn cầu với các quốc gia và khu vực không thuộc RCEP.