Chiến lược kinh doanh mới của các "ông lớn" ngành ẩm thực tại Trung Quốc

Những biến động về kinh tế và nhân khẩu học tại Trung Quốc đang làm thay đổi hành vi ăn uống của người dân nước này và khiến ngành F&B (ngành kinh doanh dịch vụ ẩm thực nhà hàng) phải thay đổi chiến thuật để thích nghi.

Không khó để nhận ra sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của những "ông lớn" ngành F&B tại Trung Quốc. Yum China, công ty vận hành nhiều chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn như Pizza Hut và KFC tại Trung Quốc, đã ra mắt mô hình cửa hàng Pizza Hut Wow vào tháng Năm vừa qua, tập trung vào thực đơn pizza cỡ nhỏ chỉ bằng một nửa pizza ở các cửa hàng Pizza Hut thông thường, với mức giá chỉ 19 NDT (2,7 USD). Phần ăn nhỏ như vậy sẽ giúp thực khách có thể thưởng thức thêm nhiều món ăn khác, kể cả khi họ đi ăn một mình.

Một người phát ngôn của Yum China cho biết công ty này đang hướng đến việc phục vụ đối tượng các hộ gia đình nhỏ - nhóm khách hàng đang gia tăng về số lượng. Yum China đã chuyển đổi hơn 100 cửa hàng trong số 3.500 cửa hàng Pizza Hut tại Trung Quốc sang mô hình Wow nói trên và đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số này vào cuối năm nay. Người này cho biết cho đến nay, hiệu quả kinh doanh của mô hình mới đã vượt ngoài mong đợi.

Cửa hàng Pizza Hut và KFC ở Trung Quốc.

Không chỉ Yum China, chuỗi nhà hàng lẩu Yi Wei cũng nhanh chóng thay đổi chiến thuật để phục vụ nhóm khách hàng đi ăn một mình và các hộ gia đình nhỏ. Yi Wei đã ra mắt mô hình lẩu băng chuyền độc đáo. Theo đó, mỗi người sẽ được phục vụ một nồi lẩu nhỏ với khẩu phần thịt vừa đủ, cùng hệ thống băng chuyền tự chọn đa dạng các món nhúng lẩu khác. Ra mắt vào tháng Tám năm ngoái, Yi Wei hiện đã có khoảng 50 nhà hàng thuộc loại hình này tại các thành phố lớn và dự kiến mở thêm 200 nhà hàng vào năm 2026.

Xu hướng này không đến một cách ngẫu nhiên mà nó phản ánh sự thay đổi nhân khẩu học nhanh chóng của đất nước tỷ dân. Theo số liệu thống kê năm 2020, Trung Quốc có tới 125 triệu hộ gia đình chỉ có một người, tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước. Tỷ lệ phần trăm các hộ gia đình một người trên tổng số hộ gia đình đã tăng từ 14,5% lên 25,4% trong cùng kỳ.

Ông Jason Yu, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Kantar, cho biết trước đây không có nhiều sản phẩm và dịch vụ cho các hộ gia đình một người, nhưng ngày càng có nhiều thương hiệu nhận ra rằng đây là một thị trường tiềm năng cho mô hình kinh doanh mới.

Tỷ lệ hộ gia đình một người ngày càng tăng cũng đang ảnh hưởng đến ngành giao đồ ăn trực tuyến. Các nhà hàng trên các ứng dụng lớn như Meituan hiện đang đẩy mạnh các combo dành cho khách hàng đơn thân. Tính đến tháng Sáu, khoảng 1,52 triệu người bán thực phẩm trên Meituan đã cung cấp các món ăn với phần ăn nhỏ, tăng 11% so với đầu năm. Tổng số món ăn kiểu này tăng 7% lên 8,32 triệu món ăn.

Công ty điều hành ứng dụng Meituan cho biết các phần ăn nhỏ cũng là một phần của xu hướng hạn chế lãng phí thực phẩm và ăn uống lành mạnh.