Xuất khẩu của EU có thể gặp khó nếu Mỹ áp mức thuế đề xuất

Mức thuế 10% mà ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đối với tất cả hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) xuất sang Mỹ có thể gây tổn hại đến các lĩnh vực định hướng xuất khẩu của châu Âu như ô tô và máy móc, ảnh hưởng đến các nền kinh tế như Đức và Italy (I-ta-li-a). Trong khi đó, khả năng EU đáp trả có thể làm gia tăng căng thẳng, có nguy cơ làm gián đoạn hơn nữa quan hệ thương mại Mỹ-EU.

Việc áp mức thuế 10% là một đề xuất quan trọng của ông Trump trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024, có thể tác động sâu sắc đến các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của châu Âu và phá vỡ mối quan hệ thương mại lớn nhất của khu vực này. Khi các nhà xuất khẩu EU chuẩn bị đối phó với những trở ngại có thể xảy ra, số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy những nền kinh tế dễ bị tổn thương đang đứng trước rủi ro, trong đó Đức, Italy và Ireland (Ai-len) dẫn đầu danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mặc dù Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của EU vào năm 2020, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu khi tính cả dịch vụ và đầu tư. Theo số liệu của EC, EU đã xuất khẩu 502,3 tỷ euro (545,1 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ vào năm 2023, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu ngoài EU.

Thêm vào đó, EU là khu vực xuất khẩu ròng hàng hóa sang Mỹ, với thặng dư khoảng 158 tỷ euro vào năm 2023. Thị trường Mỹ đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức, Italy và Ireland. Riêng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Mỹ vào năm 2023 đạt 157,7 tỷ euro. Italy và Ireland theo sau với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 67,3 tỷ euro và 51,6 tỷ euro.

Bốc dỡ hàng hóa từ tàu contenơ tại cảng ở Hamburg, miền Bắc Đức.

Dẫn đầu về xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ là máy móc và phương tiện (207,6 tỷ euro), hóa chất (137,4 tỷ euro) và các hàng hóa chế tạo khác (103,7 tỷ euro). Đây là những lĩnh vực cùng chiếm gần 90% xuất khẩu xuyên Đại Tây Dương của khối. Theo EC, những lĩnh vực này đạt thặng dư thương mại đáng kể vào năm 2023, với 102 tỷ euro về máy móc và phương tiện và 58 tỷ euro về hóa chất.

Tính theo mặt hàng xuất khẩu, thuốc và dược phẩm dẫn đầu trong năm 2023, với 55,6 tỷ euro, tiếp theo là phương tiện gắn máy với 40,7 tỷ euro.

Đức và Italy, với tư cách là nhà sản xuất máy móc và phương tiện hàng đầu châu Âu, phải đối mặt với rủi ro đặc biệt. Xuất khẩu ô tô, một phân khúc quan trọng của nền kinh tế Đức, có thể đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu của Mỹ do giá tăng, làm suy yếu thêm lĩnh vực vốn đã trì trệ và đe dọa đến việc làm.

Nếu mức thuế 10% được áp dụng, các lĩnh vực nói trên có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh do giá cuối cùng tăng, từ đó khiến sản xuất chậm lại và gây ra tình trạng cắt giảm việc làm nếu người tiêu dùng Mỹ chuyển sang các thị trường khác.

Đối với các ngành công nghiệp châu Âu, mối đe dọa về thuế quan của Mỹ xuất hiện vào thời điểm sản lượng chế tạo liên tục giảm trong hai năm qua.

Sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) và EU cắt nguồn cung năng lượng từ Nga, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên thiết yếu, dẫn đến thâm hụt thương mại của khối này với Mỹ ngày càng tăng trong lĩnh vực năng lượng.

Sự thay đổi này đã dẫn tới việc EU thâm hụt thương mại trong lĩnh vực năng lượng 70 tỷ euro vào năm 2023 và mức thuế 10% đối với hàng xuất khẩu của EU có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng này, làm giảm thặng dư thương mại chung với Mỹ và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong khối.