Theo thể lệ hội thi, thí sinh (TS) tham gia là nữ công dân các dân tộc Việt Nam, đang cư trú học tập, làm việc tại tỉnh, độ tuổi từ 17 đến 25. Trong đó, TS sẽ trải qua thi vòng loại từ ngày 3 đến 4/6, tiếp đến là chung kết diễn ra ngày 16/6. Hình thức thi vòng loại gồm 2 phần: Thi trang phục và năng khiếu. Bước sang thi vòng chung kết, ngoài phần thi trang phục, TS còn thi phần ứng xử trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo xoay quanh nội dung về kiến thức văn hóa, xã hội và du lịch. Theo Ban Tổ chức, ở phần thi năng khiếu, mỗi TS sẽ trình diễn một loại hình nghệ thuật tự chọn như: Ca, múa, biểu diễn nhạc cụ..., ưu tiên TS thể hiện được nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình; tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Phần thi trang phục, các TS sẽ trải qua vòng thi trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc mình và trang phục tự chọn.
Các thí sinh huyện Bác Ái tập luyện chuẩn bị cho hội thi. Ảnh: Lê Thi
Ghi nhận tại huyện Bác Ái, sau khi nhận được kế hoạch hội thi, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện đã thông báo rộng rãi và nhận được hồ sơ ứng cử tham gia từ các xã, đơn vị trên địa bàn. Qua tổ chức vòng thi sơ tuyển về ngoại hình, kiến thức xã hội đã chọn được 2 TS phù hợp với tiêu chí của hội thi. Hiện tại, Trung tâm đã cử huấn luyện viên hỗ trợ TS trong quá trình tập luyện các kỹ năng catwalk, biểu diễn phần thi tài năng ca, múa và trau dồi các kiến thức về văn hóa - xã hội, du lịch cho phần thi ứng xử. Chị Patâu Axá Thị Thoanh, cán bộ Trung tâm cho biết: Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, năm nay địa phương đã chọn được TS có tài năng, hoạt bát, ứng xử tự tin tham gia hội thi. Hiện cán bộ Trung tâm và TS đang chạy nước rút tập luyện để trau chuốt các tiết mục. TS Ca Dá Thị Thu Trang, chia sẻ: Đến với hội thi lần này, chúng em được địa phương đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình. Trong đó, ở phần thi năng khiếu, em sẽ đem đến tiết mục múa mang đậm đặc trưng của dân tộc mình, với cây đàn Chapi, chiếc gùi đan lát của bà con Raglai. Em mong rằng mình có thể góp một phần công sức để truyền tải, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài tỉnh về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai.
Còn tại huyện Ninh Phước, gần 2 tuần nay, các TS cũng đang chăm chỉ tập luyện các màn trình diễn năng khiếu múa, hát để bước vào hội thi với tâm thế tự tin nhất. TS Lộ Thị Mỹ Thu Hà, cho biết: Hội thi sắp cận kề, em tập trung rèn luyện các kỹ năng sân khấu và thi tài năng. Cùng với đó, em còn tham khảo thêm thông tin từ internet, sách vở để trau dồi thêm các kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa, du lịch để tự tin thể hiện tại hội thi, cũng như mong muốn đạt thành tích tốt nhất cho địa phương mình.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 30 hồ sơ đăng ký dự thi của các TS đến từ các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố gửi về. Hiện tại công tác chuẩn bị các khâu trong tổ chức như xây dựng kịch bản, chương trình, chuẩn bị về sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hậu cần, hỗ trợ TS catwalk trình diễn sân khấu thi vòng loại và chung kết đã hoàn tất và sẵn sàng phục vụ hội thi. Hội thi nhằm tạo bầu không khí hân hoan, phấn khởi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh chào mừng Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023. Đồng thời quảng bá hình ảnh Ninh Thuận, tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, lối sống cũng như việc rèn luyện thể chất, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của phụ nữ Ninh Thuận. Thông qua hội thi sẽ tuyển chọn ra gương mặt khả ái, tiêu biểu nhất để làm sứ giả du lịch của tỉnh và được tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh nhà.
Thế Quyết - Kim Thùy