Triển vọng từ dự án sân bay lưỡng dụng Thành Sơn

Với việc Chính phủ chấp thuận đưa sân bay Thành Sơn vào Quy hoạch cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để khai thác cảng quân sự và dân sự đã mở ra cơ hội để thúc đẩy đầu tư xây dựng sân bay lưỡng dụng tại Ninh Thuận, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Căn cứ các quy định hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Thành Sơn, lựa chọn nhà đầu tư sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, có diện tích rộng khoảng 22 km2 là sân bay tương đối rộng so với các sân bay đã đưa vào khai thác dùng chung kết hợp quân sự và dân sự trong cả nước. Sân bay có vị trí thuận lợi đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn tĩnh không và an toàn hành lang bay, có đầy đủ cơ sở hạ tầng đạt cấp 4C (theo tiêu chuẩn của ICAO-Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế) đáp ứng nhu cầu khai thác các loại máy bay hàng không dân dụng hiện tại đang khai thác như: F70, ART72, A321, Boeing và tương đương, có thể khai thác các đường bay đi tới một số cảng hàng không trong nước. Cụ thể, về hạ tầng, sân bay có 2 đường cất hạ cánh chính và phụ dài hơn 3 km; đường cất cánh chính bằng bê tông có sức chịu tải 90 tấn, đường bay phụ song song mặt phủ đất nện. Sân bay còn có 1 đường lăn chính và hệ thống các đường lăn nối đường lăn chính với sân đỗ với mặt phủ bê tông và 4 vị trí sân đỗ máy bay.

Sân bay Thành Sơn đáp ứng về yếu tố kỹ thuật, khả năng khai thác tàu bay hàng không dân dụng. Ảnh: AT

Ngoài ra, sân bay Thành Sơn còn có hạ tầng thông tin liên lạc phục vụ bay; đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn để sử dụng khai thác sân bay dùng chung kết hợp giữa quân sự và dân sự nhằm phát huy hiệu quả hạ tầng sẵn có. Về điều kiện đất đai, hiện trạng khu vực đề nghị quy hoạch cảng hàng không dân dụng đã đủ điều kiện xây dựng, không phải giải phóng mặt bằng. Về kết nối giao thông, sân bay nằm ngay trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, có tính kết nối liên vùng cao, giao thông thuận lợi cho kết nối đường bộ, đường sắt, đường hàng không; kết nối thuận lợi vùng duyên hải miền Trung, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; nằm trong tam giác phát triển du lịch (DL) trọng điểm của cả nước là Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển trong thời gian tới.

Về tiềm năng khai thác, hiện nay Ninh Thuận đang là điểm sáng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư tiềm năng, thế mạnh mới về năng lượng tái tạo, DL, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đang được quy hoạch xây dựng trở thành khu kinh tế ven biển của cả nước, được các nhà đầu tư chiến lược quan tâm đầu tư với nhiều dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhiều đô thị mới, đô thị ven biển đang được ưu tiên đầu tư là cơ hội mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và lao động đến làm việc tại tỉnh.

Trong lĩnh vực DL, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng, thế mạnh với nhiều sản phẩm DL mới mang tính khác biệt về DL nghỉ dưỡng đẳng cấp cao, DL trải nghiệm, DL sinh thái. Đặc biệt, với đường bờ biển dài 105 km, Ninh Thuận đang xây dựng Khu DL quốc gia Ninh Chữ thành khu DL trọng điểm của cả nước theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời, tỉnh là địa phương có nền văn hóa tương đối đa dạng, đặc sắc với nhiều giá trị văn hóa dân tộc Chăm, Raglai mang tính đặc trưng riêng sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển DL và thu hút khách DL đến với tỉnh. Theo thống kê, lượng khách DL trong và ngoài nước đến tỉnh những năm gần đây tăng cao, trung bình đạt từ 1,7 đến 2,3 triệu lượt/năm và dự kiến đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách và đến năm 2030 khoảng trên 5 triệu lượt khách. Bên cạnh khách DL, chuyên gia, nhà đầu tư; dự báo nhu cầu sử dụng vận chuyển hàng không còn phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân Ninh Thuận đang sinh sống, làm việc và học tập tại các thành phố lớn về thăm quê; nhu cầu đi lại tham quan, làm việc và khám, chữa bệnh của người dân Ninh Thuận đến TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Theo thống kê, lượng khách di chuyển bằng đường bộ, đường sắt từ Ninh Thuận đi các tỉnh, thành phố năm 2019 khoảng 7 triệu lượt người. Đây sẽ là thị trường lớn để khai thác vận chuyển hàng không với thời gian đi lại nhanh và thuận tiện hơn; đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư từ các địa phương vùng lân cận giáp Ninh Thuận như huyện Tuy Phong (Bình Thuận), Đức Trọng (Lâm Đồng).

Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Thành Sơn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương và khu vực; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải. Khi đưa sân bay vào khai thác dịch vụ vận tải hàng không sẽ tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại trong tỉnh và các tỉnh lân cận, các nhà đầu tư và khách DL đến Ninh Thuận. Đồng thời, sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, DL, logistics, kinh tế đô thị...

Sau khi được Chính phủ chấp thuận, đồng ý đưa sân bay Thành Sơn vào quy hoạch, UBND tỉnh đã có kế hoạch chuyển sân bay quân sự Thành Sơn thành cảng hàng không lưỡng dụng Thành Sơn và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư). Theo kế hoạch, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ bổ sung cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng sẽ phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam thực hiện lập quy hoạch chi tiết cảng hàng không Thành Sơn. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Trung đoàn Không quân 937 và bộ, ngành liên quan thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Thành Sơn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2023.