Ninh Phước: Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Xác định an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), thời gian qua, huyện Ninh Phước đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý công tác ATVSLĐ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người lao động (NLĐ) và DN.

Trên địa bàn huyện Ninh Phước hiện có hơn 240 cơ sở sản xuất, DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 2.500 lao động. Để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả, thời gian qua, huyện Ninh Phước đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn các DN thực hiện quy định của nhà nước về ATVSLĐ. Hằng năm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ, với mục đích thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc, tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, các DN, NLĐ trong việc cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, đảm bảo tính mạng của NLĐ; tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các DN thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ và DN để phòng tránh tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tổ chức cung cấp các tài liệu, phát hành pa nô, áp phích, băng rôn, tài liệu hướng dẫn tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ về ATVSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ. Qua đó, nhiều DN trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác bảo đảm ATVSLĐ. Điển hình như Công ty Cổ phần may D’Sago Ninh Phước, hiện nay đang tạo việc làm cho hơn 200 công nhân, với mức thu nhập ổn định mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ông Huỳnh Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may D’Sago Ninh Phước cho biết: Để đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, Công ty đã đầu tư trang thiết bị an toàn, bảo hộ lao động, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho NLĐ. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATVSLĐ, vận động NLĐ chấp hành tốt quy tắc an toàn lao động, sử dụng bảo hộ cá nhân đầy đủ; thực hành đúng thao tác, quy trình vận hành máy móc, bảo đảm ATVSLĐ. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp và chăm lo đời sống NLĐ. Nhờ đó, những năm qua, tại Công ty chưa xảy ra TNLĐ, chưa có người mặc bệnh nghề nghiệp.

Công ty Cổ phần May D’Sago Ninh Phước chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động nhằm đảm bảo
sức khỏe cho người lao động.

Cùng với đó, huyện cũng đã tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ trong một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ. Từ năm 2022 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tổ chức các đợt kiểm tra về ATVSLĐ tại 9 DN hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ. Các nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực thi các quy định, chính sách theo Luật ATVSLĐ, công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các DN; các hoạt động về công tác vệ sinh, an toàn cháy nổ tại các DN trên địa bàn; công tác bảo hộ lao động tại các DN. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị, DN đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, cũng như trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động và thực hiện tốt các chế độ cho NLĐ. Tuy nhiên, qua kiểm tra một số DN chưa thực hiện tổ chức huyến luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn quy định về an toàn lao động; trên 50% không thực hiện báo cáo định kỳ đầy đủ về công tác ATVSLĐ hằng năm; chưa chấp hành tốt các chính sách, pháp luật lao động, chưa thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ.

Ông Huỳnh Xuân Rin, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước cho biết: Để công tác ATVSLĐ thực hiện đảm bảo hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong NLĐ, DN, huyện Ninh Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng tạo chuyển biến về ý thức cho các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về công tác ATVSLĐ. Tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện kiến thức về ATVSLĐ; hướng dẫn các phương pháp và kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho DN, NLĐ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN, người sử dụng lao động đẩy mạnh ứng dụng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho NLĐ. Củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các DN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ...