Triển khai các giải pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong năm 2023, hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25-50%, dẫn đến nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới là rất lớn.

Để khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023; chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023. Ngày 24/5/2023, UBND ban hành Công văn số 2079/UBND-KTTH gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi; Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận, yêu cầu tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Đập Tân Giang. Ảnh: V.M

Theo đó, đối với Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để tổ chức tích nước hợp lý các hồ chứa, bảo đảm tích được lượng nước tối đa theo công trình. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014-2016.

Song song đó, cần chỉ đạo các đơn vị: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trang công trình cấp nước sạch nông thôn, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo cấp nước cho nhân dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi rà soát, kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn. Hướng dẫn người chăn nuôi tận thu các nguồn thức ăn để chế biến, dự trữ trong mùa khô, hạn; không chăn thả gia súc ngoài trời khi năng nóng; rà soát nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết đến các vùng nuôi trồng thủy sản, bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng đối tượng nuôi, vùng sinh thái, bảo đảm giảm tối đa thiệt hại do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán. Thường xuyên tổng hợp thông tin tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn để gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Thủy lợi) và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia...

Công văn của UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo, cảnh báo và nhận định về nguồn nước mặt, nước ngầm để kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho chỉ đạo sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Sở Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước. Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận và các cơ quan truyền thông địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi tình hình khí hậu, thời tiết, lượng mưa trong thời gian tới, đồng thời thường xuyên phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2023 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm; trong đó: Ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước tưới cho cây trồng lâu năm, nước tưới cho diện tích cây trồng trong kế hoạch... Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với lịch sản xuất, cụ thể đến từng khu vực, xứ đồng; tăng cường công tác nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước... Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

Đối với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng, đúng lịch thời vụ; kiên quyết không để gieo trồng ngoài kế hoạch. Hướng dẫn người chăn nuôi tận thu các nguồn thức ăn để chế biến, dự trữ trong mùa khô, hạn. Thường xuyên, kịp thời tổng hợp thông tin tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn quản lý gửi báo cáo về Sở NN&PTNT và Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn quản lý để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kịp thời giải quyết, tránh không để thiếu nước cho sinh hoạt và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu trên địa bàn quản lý,