Kết hợp giữa “xây” và “chống” trong thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 35

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để Đảng vững mạnh về tư tưởng, lý luận và ngày càng phát triển thì trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ (CB), đảng viên (ĐV) ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi CB, ĐV phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng. Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn và người ĐV phải càng chú trọng đến việc tự thân rèn luyện đạo đức cách mạng nhiều hơn.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn đặt ra yêu cầu là phải thực hiện liên tục việc “xây đi đôi với chống”. Điều này có nghĩa là xây dựng đạo đức phải đi đôi với việc chống lại cái tiêu cực, lạc hậu của bản thân, của những người xung quanh, của xã hội, mà trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân; không chống được cái hạn chế, cái tiêu cực của bản thân thì không thể chống cái lạc hậu, trì trệ của người khác.

Từ những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chống chủ nghĩa cá nhân, Ban Chỉ đạo 35 đã vận dụng một cách hiệu quả và mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”. Tuy nhiên, thực tế công tác Ban Chỉ đạo 35 thời gian qua cho thấy, hầu hết nội dung triển khai có xu hướng thiên về mặt “chống”, còn phần “xây” có lúc, có nơi chưa thật sự được quan tâm lãnh đạo; một bộ phận CB, ĐV còn thờ ơ, thiếu cảnh giác, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng nên bị sa ngã, sai phạm, làm cho danh sách ĐV bị kỷ luật, bị xử lý hình sự ngày một dài thêm và nguyên cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá ngày một thêm “phong phú”. Mặt khác, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay còn có một số vấn đề như sức chiến đấu của một số tổ chức đảng trước vi phạm, khuyết điểm còn thấp, tinh thần tự phê bình và phê bình của bộ phận ĐV còn chưa cao, thậm chí còn “bộ phận CB, ĐV phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khổ, ngại khó, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”... dẫn đến những vi phạm, sai phạm đến mức phải nhận kỷ luật cao nhất về mặt Đảng và chịu trách nhiệm hình sự đối với sai sót của bản thân gây ra.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là vừa phải ngăn chặn, xử lý, làm thất bại mọi hoạt động phát tán thông tin giả, xấu độc, xuyên tạc, vừa phải tuyên truyền, xây dựng hình ảnh, tấm gương tích cực có sức lan tỏa, lay động quần chúng; vừa đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong nội bộ lại vừa củng cố được lập trường, tư tưởng cho CB, ĐV; vừa bảo vệ được tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa tiếp tục bổ sung, phát triển hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn tới, đó chính là sự kết hợp hiệu quả giữa “xây” và “chống”. Hơn nữa, mệnh đề cơ bản trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị là “bảo vệ” và “đấu tranh” đã thể hiện rất rõ nội dung “xây” tức là “bảo vệ” và “chống” chính là “đấu tranh”; mọi nhiệm vụ, giải pháp được triển khai trong thực tiễn đều tuân thủ quan điểm xuyên suốt đó. Vì vậy, nếu không vận dụng đúng và đầy đủ mối quan hệ này thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ chưa đảm bảo tính toàn diện và bền vững.

Như vậy, qua nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và mở rộng ra trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW hiện nay, nhiệm vụ “xây” phải bao gồm cả xây dựng đạo đức cách mạng và đồng thời xây dựng niềm tin của CB, ĐV và quần chúng nhân dân đối với tính đúng đắn, khoa học và giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; “bảo vệ” sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, sự trong sạch, vững mạnh của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; “bảo vệ” giá trị đạo đức, văn minh của Đảng; bảo vệ lý luận phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội... Đồng thời “chống” biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng; “ngăn chặn” các biểu hiện “hoài nghi, mơ hồ, hoang mang, dao động, mất niềm tin về mục tiêu, lý tưởng của Đảng”. Từ đó, ta có thể khẳng định rằng, “chống” là công tác trọng tâm, nhưng nhiệm vụ “xây” mới là yếu tố quyết định trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để thực hiện tốt việc “xây” đi đôi với “chống”, thiết nghĩ Ban Chỉ đạo 35 cần chú trọng phương pháp đổi mới cách “xây” và linh hoạt cách “chống”. Đổi mới cách “xây” trước hết là đổi mới công tác tuyên truyền bằng cách hạn chế việc đọc, nghe các nghị quyết, chỉ thị một cách sơ cứng mà cần kết hợp việc quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng gắn với tình hình thực tế, giáo dục trực quan để nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu trong Đảng để mỗi CB, ĐV thấm nhuần chủ trương chung, thống nhất ý chí hành động; đồng thời đổi mới công tác nghiên cứu lý luận, nhất là vấn đề mới, vấn đề phát sinh từ thực tiễn và vấn đề còn có nhận thức khác nhau.

Về “chống” phải linh hoạt là vì bởi hiện nay, các thế lực thù địch đang triển khai các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều hình thức khác nhau, triệt để sử dụng internet và mạng xã hội để chống phá trên hầu khắp các lĩnh vực. Vì vậy, việc phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch cần phải sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp đấu tranh, kết hợp giữa các biện pháp đấu tranh truyền thống với sử dụng công nghệ thông tin; từ viết truyền thống sang xây dựng dựng video clip hiện đại; kết hợp đấu tranh toàn dân, toàn diện với đấu tranh về pháp lý quốc tế để ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu độc, xuyên tạc...

Bên cạnh đó cần chú trọng đến phương châm lấy “tích cực” đẩy lùi “tiêu cực”, xem đây là phương châm xuyên suốt trong vấn đề “bảo vệ” nền tảng tư tưởng của Đảng “đấu tranh” phản bác các thông tin xấu độc hiện nay, bởi để “xây” hiệu quả cần lấy cái tích cực, cái hay, cái tiêu biểu là yếu tố thu hút CB, ĐV và quần chúng nhân dân, xua đi cái xấu, cái chưa được... làm đẹp thêm lý tưởng của Đảng và chủ nghĩa xã hội. Do vậy, theo Nghị quyết số 35-NQ/TW thì “xây” và “chống” phải luôn đi đôi với nhau, quá trình thực hiện hai nhiệm vụ này phải được tổ chức chặt chẽ, hài hòa với nhau; có như vậy thì việc “xây” để “chống” mới đạt hiệu quả tốt hơn và ngược lại “chống” để “xây” mới ổn định và vững chắc hơn.