Hiện nay, 100% các trường TH và THCS trên địa bàn thành phố đều có thư viện, được trang bị đầy đủ các loại sách. Qua đó, đáp ứng đa dạng nhu cầu cho HS, giáo viên như: Sách tham khảo, truyện, sách khoa học và xã hội, tạp chí... Đồng chí Trần Thị Hường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Địa phương có 26 trường tiểu học (TH) và 9 trường THCS. Những năm qua, các trường học đã quản lý tốt hoạt động thư viện, góp phần phát huy kho tàng quý báu về tri thức. Tuy nhiên cần nhìn nhận thực tế, hiện nay, cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn sách thư viện của một số trường vẫn còn thiếu; thói quen đến thư viện của HS vẫn còn hạn chế... Để khắc phục những khó khăn trên, ngành Giáo dục địa phương đã nỗ lực đổi mới hoạt động như: Phối hợp Thư viện tỉnh luân chuyển sách đến các trường, làm mới không gian thư viện, triển khai và tham gia các phong trào về phát triển văn hóa đọc, vận động nguồn lực xã hội hóa thư viện.
Học sinh Trường Tiểu học Bảo An 2 đọc sách tại Thư viện xanh của trường.
Nhằm giúp các em HS chủ động tiếp cận với sách, tài liệu mọi lúc, mọi nơi, từ đó hình thành thói quen, niềm đam mê với sách, các trường đã triển khai nhiều mô hình thư viện như: Thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện lớp học. Mục đích chung là tạo cho các em môi trường đọc gần gũi, thuận tiện. Những thư viện này thường được đặt tại góc sân trường, hay tại mỗi lớp học, giúp cho các em dễ dàng lựa chọn và đọc sách trong thời gian rảnh rỗi. Song song đó, các trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực tham gia nhiều hoạt động nhằm cổ vũ, thúc đẩy việc tìm kiếm, đọc sách của các em HS, như: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Đại sứ văn hóa đọc, đọc và kể chuyện theo sách... Cũng từ đây, đã phát hiện nhiều tài năng HS đạt giải, có niềm đam mê đọc sách, qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc sách trong nhà trường nói riêng và cộng đồng nói chung.
Ghi nhận thực tế từ Trường TH Bảo An 2, hiện trường có 3 khu vực phục vụ việc đọc sách cho HS, gồm: Thư viện chính, thư viện tại sân trường và thư viện lớp học. Nguồn sách, tài liệu được cán bộ thư viện sắp xếp ngăn nắp, đẹp mắt và liên tục được đổi mới nên tạo được sự thích thú cho HS khi tìm đến sách. Để có được sự đa dạng, phong phú trong nguồn sách tại các khu vực, nhà trường đã thực hiện kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội hóa thư viện và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ nhân dân, mạnh thường quân. Cô giáo Trần Thị Mát, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, nhà trường đang quản lý hơn 1.600 đầu sách, tài liệu. Những năm qua, trường đã đẩy mạnh kêu gọi, vận động các hội, nhóm yêu sách, người dân, phụ huynh ủng hộ. Trong 2 năm học qua, nhà trường đã nhận gần 800 đầu sách, chiếm gần một nửa lượng sách thư viện. Đồng thời, triển khai các hoạt động nhằm thu hút HS đến thư viện như: Duy trì chương trình phát thanh thư viện 1 lần/tháng; thi viết cảm xúc sách trực tuyến trên trang Facebook Liên đội trường, nhờ vậy hoạt động thư viện luôn nhộn nhịp. Em Trần Thị Thanh Nhã, lớp 3A chia sẻ: Được tiếp cận sách, báo hằng ngày, với nội dung mới lạ, hay, nên chúng em rất thích đọc sách sau mỗi giờ học. Đối với em và các bạn, được đi học và đến thư viện là một niềm vui.
Đồng chí Trần Thị Hường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết thêm: Phát huy những kết quả đạt được, ngành Giáo dục, các trường học trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục linh động, sáng tạo triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Mục tiêu chính là tìm cách tốt nhất để thu hút HS, nâng cao ý thức đọc sách, hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày cho HS. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao số lượng đầu sách và đa dạng chủng loại sách; nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thư viện trong phục vụ bạn đọc là HS, giáo viên... qua đó, nâng cao vị trí, vai trò, chức năng của thư viện trong trường học.
Lê Thi