Noi gương Bác, góp sức xây dựng quê hương

Tháng 5 về, mỗi người con đất Việt lại nhớ đến sinh nhật Bác với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Nhớ Bác, học và làm theo Bác là cách báo công thiết thực nhất. Không chỉ cán bộ, đảng viên, mà nhân dân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng ra sức hưởng ứng bằng những hành động, việc làm cụ thể, đồng hành cùng chính quyền góp sức xây dựng quê hương.

Ngư dân Trần Công Thắng kể về những lần vinh dự ra Hà Nội nhận khen thưởng. Ảnh: Mỹ Dung

Với tinh thần “học Bác một đời, học Bác mãi mãi”, cựu chiến binh Trần Công Thắng, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) không chỉ kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn “tỏa sáng” trong phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), trở thành ngư dân tiêu biểu của địa phương. Năm 1987, trở về từ chiến trường Campuchia, ông xin vào làm lái tàu cho Hợp tác xã nghề cá Đông Hải 4, thu nhập bấp bênh. Với bản chất cần cù, chịu khó ông Trần Công Thắng luôn tìm cách vượt lên hoàn cảnh, cải thiện cuộc sống. Năm 1989, sau khi hợp tác xã giải thể, số tàu thuyền trong hợp tác xã được bán cho các ngư dân tỉnh bạn. Nắm bắt cơ hội, ông liền vay ngân hàng 120 triệu đồng mua lại tàu cá có công suất 30 CV, từ chiếc tàu công suất nhỏ đó, ông đã từng bước gầy dựng cho mình một đội tàu gồm 5 chiếc với công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Đến nay, đội tàu của gia đình ông tạo thành một tổ đoàn kết khai thác thủy hải sản, góp phần tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, được Nhà nước hỗ trợ cho vay theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ, ông tiếp tục đóng mới 2 chiếc tàu có công suất lớn, một chiếc 823 CV và một chiếc 829 CV, tổng giá trị đầu tư 14 tỷ đồng. Mỗi năm, doanh thu từ 5 chiếc tàu lên đến hàng tỷ đồng; tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động ở địa phương với thu nhập từ 8,5 - 13 triệu đồng/tháng. Không quên nghĩa vụ của một công dân, mỗi khi chính quyền địa phương phát động phong trào, gia đình ông đều tham gia tích cực vào công tác xã hội như ủng hộ các quỹ của địa phương, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Ông chia sẻ: Bản thân tôi nghĩ việc học tập và làm theo Bác không cần phải làm chuyện gì đó quá to lớn mà thiết thực ngay từ những hành động nhỏ nhất. Do vậy, khả năng của mình đến đâu thì mình tham gia đóng góp cho xã hội trên tinh thần tự nguyện và tự giác để chung tay xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Ghi nhận sự cố gắng đó, ông là một trong những gương điển hình được tham gia xét tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, những người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng làm theo lời Bác phát huy tốt vai trò, uy tín của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Điển hình như ông Imưm Đạo Văn Thị, thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), Trưởng tộc họ Mành Si, Phó Chủ tịch kiêm thư ký Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh. Ông được xem là “hạt nhân” quan trọng, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Thôn Lương Tri hiện có 901 hộ, trong đó trên 96% là bà con dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni. Trước đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trong thôn chưa ổn định, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bằng uy tín và tâm huyết, ông thường xuyên gặp gỡ, nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con; nhắc nhở con em chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Ông Imưm Đạo Văn Thị (bên trái), thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) trao đổi, tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào thi đua tại địa phương. Ảnh: Kim Thùy

Thông qua các buổi sinh hoạt tộc họ, ông thường kiểm điểm răn đe số thanh niên vi phạm, đồng thời đề cử từ 1 - 2 thành viên tham gia đội xung kích giữ gìn ANTT do địa phương thành lập... Nhờ vậy, tình hình ANTT tại địa phương những năm gần đây luôn được bảo đảm. Ông Thị, chia sẻ: Để bà con tin tưởng, trước tiên gia đình mình phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào; nỗ lực làm kinh tế, nuôi dạy các con đàng hoàng. Trong mỗi đợt tuyên truyền tôi thường lấy câu chuyện của bản thân, khéo léo phân tích với bà con, giúp người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực các phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, sau khi được ông vận động bà con đều đồng lòng đóng góp kinh phí 1 triệu đồng/hộ làm đường giao thông nông thôn; lắp đặt bóng đèn chiếu sáng toàn thôn, đảm bảo an toàn đi lại vào ban đêm. Cùng với đó, người dân có tự nguyện hiến đất, di dời hàng rào mở rộng đường từ 3 m trở lên và bê tông kiên cố... Giờ đây, đường làng ngõ xóm thôn Lương Tri khang trang, sạch đẹp hơn; các hương ước, quy ước của thôn đều được bà con thực hiện nghiêm túc, đời sống văn hóa ngày càng nâng cao. Với những đóng góp của mình, năm 2022, ông Imưm Đạo Văn Thị được UBND tỉnh tặng bằng khen người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS, đóng góp vào sự phát triển KT-XH và bảo vệ ANTT tại địa phương.

Có thể thấy, cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa và thúc đẩy mọi người thay đổi, cùng làm theo những điều tích cực. Tùy theo điều kiện, tính chất công việc, mỗi người có thể chọn cho mình cách học tập và làm theo Bác khác nhau. Những tấm gương như cựu chiến binh Trần Công Thắng và ông Imưm Đạo Văn Thị là những bông hoa tỏa sắc, ngát hương dâng Bác, góp sức dựng xây quê hương ngày càng phát triển.