Bác Ái phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng chính sách

Qua hơn 20 năm triển khai tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái, đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo ở các địa phương.

Thôn Ma Hoa, trước đây là vùng lõi nghèo của xã Phước Đại, nhưng hiện nay diện mạo của thôn đã đổi thay nhiều, những ngôi nhà mới khang trang ngày càng nhiều. Có được diện mạo trên có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Gia đình chị Katơr Thị Nanh là một trong những hộ đầu tiên trong thôn mạnh dạn vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế. Ban đầu chị vay 20 triệu đồng để chăn nuôi bò, sau hơn 7 năm chăn nuôi, gia đình chị đã trả hết nợ ngân hàng, sửa chữa nhà và sắm các vật dụng trong nhà. Đồng thời còn phát triển đàn bò được 9 con. Chị Nanh phấn khởi, cho biết: Trước đây gia đình thuộc hộ nghèo trong thôn, kinh tế rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Cũng như gia đình chị Nanh, trước đây kinh tế gia đình bà Kadá Thị Dém ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính rất khó khăn, kinh tế chỉ dựa vào 5 sào đất rẫy sản xuất được một vụ vào mùa mưa nên thu nhập bấp bênh. Năm 2017, bà Dém được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ NHCSXH mua bò về nuôi sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau gần 4 năm đã trả hết nợ cho ngân hàng và phát triển được 4 con bò cái giống để phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nhiều hộ ở huyện Bác Ái có điều kiện
phát triển kinh tế gia đình.

Những trường hợp vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình như chị Nanh, bà Dém trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái ngày càng nhiều. Câu chuyện vay tiền về “treo gác bếp” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn, người dân giờ đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm. Người ít kinh nghiệm thì vay vốn mua 1 đến 2 con bò, người có nhiều kinh nghiệm thì mua 3 đến 5 con bò để phát triển chăn nuôi. Các tổ tiết kiệm vốn vay ưu đãi từ NHCSXH cũng vì thế mà kết nạp được nhiều thành viên hơn, dư nợ cho vay năm sau cao hơn năm trước. Qua hơn 20 năm triển khai TDCS ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn huyện Bác Ái đã giúp hơn 2.000 hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Các nguồn vốn TDCS được đầu tư đến 100% các xã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi, kịp thời. Tổng dư nợ thông qua 17 chương trình TDCS đạt trên 221 tỷ đồng, số hộ được thụ hưởng ưu đãi trên 5.350 hộ với 6.461 món vay, chiếm trên 67,7% số hộ trên địa bàn. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 5,9%. Những hộ nghèo giờ cũng không còn ỷ lại vào việc hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Trần Hữu Quân, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái cho biết: Các chương trình tín dụng hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác thông qua các Hội, đoàn thể ở huyện Bác Ái đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, tạo năng suất và hiệu quả cao, đặc biệt trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cây, con có hiệu quả thấp sang trồng cây, nuôi con có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian tới đơn vị tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện hội đồng quản trị tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nguồn vốn cho bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần giảm tỷ lệ thoát nghèo của địa phương; đa dạng các hình thức tuyên truyền giúp người dân và các cấp, các ngành nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình cho vay của NHCSXH; đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ đến hạn, nợ quá hạn. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm từ 7-10%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 99%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 98%, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,5%; đảm bảo chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển tải kịp thời có hiệu quả, chất lượng vốn TDCS đến các đối tượng thụ hưởng... Đồng thời, vận động bà con nhân dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương.