Theo đoàn công tác Chi cục Chăn nuôi và Thú y đến kiểm tra thực tế khu vực nuôi tôm tại thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải. Anh Nguyễn Đình Thắng, một chủ hộ nuôi tôm cho biết: Tôm được thả nuôi vụ này đều mắc bệnh đốm trắng và chết hàng loạt. Để minh chứng cho lời mình nói, anh Thắng dùng nhá vớt tôm trong ao để đo mật độ tôm, cũng như giám sát quá trình phát triển của tôm. Qua 3 lần nhá tôm, trong nhá cũng chỉ có vài ba con tôm. Vụ này anh Thắng thả 10 vạn tôm giống trên diện tích 2,5 sào, đến nay đã 20 ngày nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, lại xuất hiện bệnh đốm trắng nên tôm chết nhiều.
Ao tôm gia đình anh Nguyễn Đình Thắng ở xã Hộ Hải (Ninh Hải) thả giống được 20 ngày
bị bệnh đốm trắng.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cử cán bộ tiến hành lấy mẫu Test nhanh kiểm bệnh, phát hiện 5/29 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng (WSSV). Chi cục khuyến cáo hộ nuôi tôm cần thực hiện các biện pháp khoanh vùng các ao nuôi nhiễm mầm bệnh nguy hiểm WSSV và AHPND tiêu diệt mầm bệnh theo quy định về xử lý ổ dịch bệnh động vật thủy sản; đồng thời, tăng cường sức khỏe cho đàn tôm nuôi bằng các biện pháp kiểm soát, quản lý môi trường, chăm sóc, thực hiện vệ sinh phòng dịch, có giải pháp thu hoạch ở thời điểm phù hợp để giảm thiểu thiệt hại.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nguyên nhân phát sinh dịch được xác định do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch đã tạo điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên tôm. Ngoài ra, tôm nuôi bị mắc bệnh còn do điều kiện môi trường ao tôm của một số hộ ngày càng xuống cấp, chất lượng nước trong ao ngày càng bị ô nhiễm. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, người nuôi cần theo dõi thường xuyên nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi. Trước khi thả giống, cần tiến hành diệt tạp, diệt khuẩn, rải vôi ổn định môi trường nước ao nuôi, sau khi thả nuôi tăng cường khoáng chất cho tôm. Đồng thời khuyến cáo áp dụng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP để hạn chế dịch bệnh, đạt năng suất cao.
Thanh Thịnh